Hồn quê hương sống động trong tim mỗi người Việt xa xứ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với những người Việt sống xa Tổ quốc, “sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ”; người Việt sống ở phương trời nào cũng đều hướng về cội nguồn, về với quê hương, Tổ quốc.
Đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Dành nhiều thời gian đi dọc chiều dài đất nước

Sinh ra và lớn lên ở huyện Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là TP Hà Nội), năm 1998, nhà văn Hiệu Constant (tên thật là Lê Thị Hiệu) sang Pháp định cư cùng gia đình. Tại Pháp, chị tiếp tục theo học tại Trường Đại học Sorbonne IV, ngành Văn học so sánh. Hiện nay, chị Hiệu là đại diện cho một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam và cũng là đại diện cho một số nhà văn Việt Nam tại Pháp. Ngoài việc là dịch giả của gần 80 đầu sách dịch Pháp - Việt, Việt - Pháp, chị đã xuất bản 5 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 truyện ký và 1 tự truyện, qua đó góp phần tích cực nối nhịp cầu văn hóa giữa 2 nước.

Chị Hiệu cho biết, dù xa Việt Nam đã hơn 1/4 thế kỷ, nhưng Việt Nam không chỉ còn nguyên vẹn trong trái tim chị mà còn trở nên sâu đậm hơn. Dẫu yêu nước Pháp rất nhiều nhưng chị cũng rất nhớ Việt Nam. “Sống trong nỗi nhớ, mọi đường nét, hình thể, âm thanh… của bầu không khí quê nhà lại càng hiện ra rõ nét hơn trong tôi. Tôi tri ân Việt Nam nhưng cũng tri ân nước Pháp. Việt Nam là nguồn cội của tôi, là tổ tiên, cha mẹ, ông bà, là nơi đã cho tôi cuộc sống và những vốn tri thức đầu đời; còn nước Pháp đã cho tôi gia đình, sự nghiệp và tất cả những gì tôi đang có”, chị bộc bạch.

Tình yêu Việt Nam đã được chị truyền cho các con mình - những đứa trẻ là sự kết tinh của hai dòng máu Việt - Pháp. Các con của chị đều được mẹ dạy nói tiếng Việt và văn hóa Việt Nam thông qua những bài hát, những món ăn Việt. “Tết năm nào tôi cũng tự làm và dạy các con gói bánh chưng, làm nem. Các ngày rằm, ngày lễ tôi đều thực hiện một cách chăm chú. Tôi muốn các con thấy những hình ảnh Việt Nam đầu tiên qua chính mẹ chúng, đó là sự dịu dàng, kiên trì, cần mẫn, chịu khó và đầy yêu thương. Tôi tin rằng chính những điều như vậy sẽ khắc sâu và in đậm trong tâm trí chúng, dẫu sau này, việc tiếp cận thực tế với môi trường Việt Nam có thể sẽ ít nhiều khác với những điều mẹ dạy”, chị Hiệu chia sẻ.

Ngoài ra, cứ 2 năm một lần, chị đều cho các con về thăm quê ngoại, đưa chúng về không chỉ thành phố mà còn tới tận các vùng quê ở các tỉnh, thành ở Việt Nam, tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân hoặc các dân tộc thiểu số để thêm hiểu, thêm yêu quê hương Việt Nam. Dù còn nhỏ nhưng đến nay, các con của chị đã tới hầu hết các vùng trên lãnh thổ đất nước, từ các tỉnh, thành như Lào Cai, Hải Phòng ở miền Bắc đến Huế, Đà Nẵng ở miền Trung, miền Nam hay các tỉnh miền Tây sông nước.

Bản thân chị Hiệu cũng thường xuyên về Việt Nam. Mỗi lần về nước, chị dành nhiều thời gian đi dọc chiều dài đất nước. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong chị những xúc động khó quên. Chị cho biết đã đến thăm Đền Hùng, Đền Đô, Đền Trần, Đền Vua Lê, thăm Thành Nhà Hồ; đi thăm Sơn La, Lai Châu, Mộc Châu, Điện Biên Phủ, Lạng Sơn; đi dọc quốc lộ 4 từ Cao Bằng đến Móng Cái để mục sở thị những chiến trường năm xưa, để hình dung được cảnh bi tráng trong quá khứ, hiểu thêm lịch sử nước nhà…

“Nước mắt nào cũng mặn, máu nào cũng đỏ”

Năm 2012, đáp ứng nguyện vọng của những người con xa quê, Nhà nước ta đã tạo điều kiện để đoàn kiều bào đầu tiên được đặt chân tới Trường Sa. Tính đến năm 2023, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và các đơn vị liên quan tổ chức được 10 đoàn với tổng số trên 500 lượt kiều bào tới thăm, tìm hiểu, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Là kiều bào đã may mắn có mặt trên chuyến đi thăm Trường Sa vào năm 2018, chị Hiệu cho biết đây cũng là kỷ niệm ghi dấu ấn nhất với chị mỗi khi nhắc về quê hương. Cảm giác khi lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến những hòn đảo chìm nhỏ nhoi lênh đênh trên mặt biển giữa trùng khơi bao la; niềm xúc động khi chứng kiến cuộc sống còn nhiều thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần của những cán bộ và chiến sĩ hải quân trên đảo đến nay vẫn vẹn nguyên như đang diễn ra trước mắt.

Trở về từ chuyến đi đầy cảm xúc đó, chị đã dành 3 năm để viết cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa”. “Tôi còn nhớ, khi từ Trường Sa về đến Hà Nội, rồi về đến Paris, tôi đã không trò chuyện với ai về chuyến đi ấy. Bởi, mỗi khi kể lại với ai đó, hoặc chỉ đơn giản là nghĩ lại chuyến đi, tâm hồn tôi lại xáo trộn, những hình ảnh đan xen nhau, những xúc động buồn vui lẫn lộn lại đổ về. Những ý tưởng cứ lơ lửng khiến tôi không sao nắm bắt được để kể, để đóng khung chúng vào các con chữ. Tôi đã đợi cho những cảm xúc ấy thực sự lắng xuống, để tôi có thể kể về chúng một cách mạch lạc, trôi chảy hơn”, nữ nhà văn cho hay.

Chị Hiệu Constant trong chuyến thăm Trường Sa năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Chị Hiệu Constant trong chuyến thăm Trường Sa năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” được chị quyết tâm thực hiện để chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ của bản thân về vùng lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam. Qua tác phẩm, chị cũng muốn để những đồng bào chưa được đến thăm Trường Sa có thể hình dung rõ nét về phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của đất nước, về vẻ đẹp kiêu hùng của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, về biển đảo bao la của Việt Nam, về những ngôi chùa - những cột mốc thiêng liêng hay những hộ gia đình, các cháu nhỏ và những lớp học trên đảo. “Không phải ngẫu nhiên mà tôi đặt tên cho cuốn sách là “Kiều bào với Trường Sa” và lời tựa cuốn sách là “Nước mắt ai cũng mặn, máu ai cũng đỏ, hãy cùng chung tay vì chủ quyền lãnh hải, vì một Việt Nam đoàn kết gắn bó và phát triển!”, tôi muốn nhắn nhủ đồng bào trong nước cũng như kiều bào trên thế giới rằng cho dù thế nào, mọi kiều bào đều hướng về Tổ quốc và Trường Sa là một trong những sợi dây gắn kết kiều bào với quê hương, xích kiều bào lại gần với nhau hơn”, chị Hiệu nói.

Nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), cộng đồng NVNƠNN hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống và làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Thời gian qua, kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Những năm qua, kiều bào ở các nước cũng đã có nhiều hoạt động đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Thống kê của Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2022, cộng đồng NVNƠNN đã quyên góp ủng hộ đóng một số xuồng chủ quyền, xây dựng một số công trình trên đảo, mua quà tặng hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, Nhà giàn DK1 với tổng số tiền ủng hộ lên tới khoảng 26,8 tỷ đồng. Bên cạnh những đóng góp về vật chất, bà con còn tích cực gửi gắm tình cảm thông qua việc sáng tác các tác phẩm thơ, văn, truyện ngắn, truyện ký, trong đó có cuốn truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” của chị Hiệu Constant.

Bà con cũng thành lập các diễn đàn, câu lạc bộ Trường Sa - Hoàng Sa; tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhiều hội thảo, triển lãm cũng đã được tổ chức nhằm khẳng định tình yêu đất nước của kiều bào, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến bà con các thế hệ ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Những ngày cận kề Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, kiều bào ở một số nơi trên thế giới cũng đang háo hức trở về để tham dự Giỗ Tổ và tham gia đoàn công tác tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Việc kết nối giữa hai sự kiện trở thành chuỗi hoạt động về nguồn hết sức ý nghĩa, gắn kết hơn nữa bà con kiều bào với quê hương, góp phần nâng cao niềm tự tôn, tự hào dân tộc; qua đó tạo nguồn sức mạnh to lớn để khẳng định các giá trị văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

“Sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ. Nước mắt nào cũng mặn, dòng máu nào cũng đỏ, người Việt mình cho dù sống ở bất kỳ phương trời nào, chính kiến ra sao, cuối cùng thì vẫn hướng về cội nguồn, về với quê hương, Tổ quốc của mình”, chị Lê Thị Hiệu chia sẻ.

“Tôi sẽ không bao giờ quên buổi tối tàu rời đảo Trường Sa, những câu như “Kiều bào yêu Trường Sa” và giọng các chiến sĩ từ dưới vọng lên đáp lại “Trường Sa yêu kiều bào” cứ âm vang mãi, rồi cả những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt đang cười. Con tàu đã rời đi nhưng những cánh tay cứ vẫy mãi không thôi, cho đến tận khi cả hòn đảo mất hút trong đêm. Tôi cũng không bao giờ quên Lễ Giỗ Tổ được tổ chức ngay trên con tàu KN491 đó. Những đứa con Việt trở về từ khắp năm châu, bốn biển cùng dự Lễ Giỗ Tổ, thật xúc động ngập tràn!”, chị Hiệu bồi hồi.

Đọc thêm