Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức nêu rõ mục đích ban hành Luật Ban hành VBQPPL đó là thể chế hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn; xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tế của Luật năm 2015 và Luật năm 2020. Luật Ban hành VBQPPL mới sẽ bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL gắn với hoạt động tổ chức thi hành VBQPPL; trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, thi hành VBQPPL.
Với mục đích đó, Luật Ban hành VBQPPL được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định đang còn phù hợp của Luật năm 2015 và Luật năm 2020; đồng thời bổ sung, sửa đổi các quy định về: nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành, tổ chức thi hành VBQPPL; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL.
Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp đề xuất 3 nhóm chính sách với nội dung cụ thể của từng chính sách như sau:
Chính sách 1: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật; bổ sung các nguyên tắc xây dựng và thi hành VBQPPL; giảm hình thức VBQPPL; xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL
Chính sách 2: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng VBQPPL theo hướng xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng pháp luật; bảo đảm quy trình chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả.
Chính sách 3: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành VBQPPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành VBQPPL; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật; tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Tại cuộc họp, thành viên Tổ công tác đã đóng góp ý kiến để hoàn thiện các dự thảo báo cáo và dự thảo Tờ trình, trong đó nhấn mạnh tới trách nhiệm cơ quan chủ trì soạn thảo từ lúc xây dựng, thẩm định, ban hành VBQPPL; giá trị của báo cáo thẩm định; đơn giản hoá các thủ tục trong quy trình thẩm định; đề cao trách nhiệm của Hội đồng thẩm định….
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp tục phối hợp với các thành viên Tổ công tác rà soát, chỉnh lý các chính sách tại đề nghị xây dựng Luật; nghiên cứu, chỉnh lý chính sách nhằm làm nổi bật nguyên tắc tăng cường của sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu thêm về quy trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội theo hướng đơn giản hoá để đáp ứng tính kịp thời, việc phản ứng chính sách; phân định rõ loại hình Nghị quyết thí điểm và Nghị định thí điểm; nghiên cứu vấn đề về chuyển đổi số; nguồn lực đảm bảo thực hiện các công tác như thuê chuyên gia, khảo sát, xây dựng, thẩm định VBQPPL…; bổ sung quy trình ban hành văn bản mật; bổ sung các nội dung mới, rõ liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật; hoàn thiện một số nội dung khác về kiểm tra, xử lý văn bản, hợp nhất VBQPPL...