Họp Tổ nghiên cứu soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

(PLVN) - Ngày 30/3, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra cuộc họp Tổ nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) đã công bố Quyết định thành lập Tổ nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Tổ trưởng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; Phó Tổ trưởng là Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến và hơn 30 thành viên là đại diện các Ban, Bộ, ngành.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cho biết Kế hoạch hoạt động của Tổ nghiên cứu nhằm tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành, làm cơ sở xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của Thủ đô; xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và khả thi.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến báo cáo về kế hoạch của Tổ nghiên cứu.

Tổ nghiên cứu sẽ thực hiện các nhiệm vụ bao gồm: Tổ chức rà soát các quy định của Đảng, Nhà nước, hệ thống văn bản QPPL liên quan đến các chính sách đặc thù của Thủ đô; xây dựng và thực hiện Kế hoạch khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài liên quan đến Luật Thủ đô; họp Tổ nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức Hội thảo về “Phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), “Cơ chế thu hút nguồn lực để phát triển Thủ đô trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ nghiên cứu đã nêu lên ý kiến đánh giá về tính khả thi của các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch; trao đổi về cách thức thực hiện các công việc, phân công nhiệm vụ của mỗi thành viên để đảm bảo tính liên thông, nhất quán khi xây dựng các chính sách và đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đánh giá cao sự cần thiết của việc thành lập Tổ nghiên cứu, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin thêm về các hoạt động của thành phố thời gian qua trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng tình với Kế hoạch công tác của Tổ nghiên cứu, ông Lê Hồng Sơn đề nghị Tổ trưởng cân nhắc việc phân chia các nhóm, Trưởng nhóm, xác định rõ trách nhiệm để phát huy tối đa được năng lực, vai trò của từng thành viên đồng thời đề xuất thành lập nhóm Tổ chức hậu cần để phục vụ các hoạt động của Tổ nghiên cứu, trong đó có hoạt động truyền thông.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại cuộc họp.

“Mỗi thành viên cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, nêu cao tính kỷ luật; không nên hạn chế số lượng các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia có tư duy phản biện, như vậy mới có thể đóng góp trí tuệ tập thể, xây dựng các chính sách, cơ chế cho Thủ đô phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung cho cả nước”, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội nói.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Tổ nghiên cứu trong việc chuẩn bị, xây dựng các lập luận, định hướng các vấn đề đưa vào dự án Luật. Để việc triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị các thành viên phải tích cực, chủ động, phát huy trí tuệ, trách nhiệm để thể hiện được tiếng nói của Bộ, ngành mà mình đại diện; phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý các Sở, ngành của thành phố Hà Nội; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cần phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai các nhiệm vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng yêu cầu mỗi nhóm đã được phân công tại Kế hoạch cần tổ chức công việc khoa học, có tính liên thông giữa các nhóm để tiến hành rà soát các quy định hiện nay, bám sát các chính sách đã đề xuất để nghiên cứu sửa đổi, xây dựng chính sách tạo đột phá, vượt trội cho Thủ đô song cũng cần bảo đảm tính phù hợp, khả thi.

Đọc thêm