HoREA kiến nghị giải pháp tháo gỡ tình trạng “tắc” sổ hồng

(PLVN) - Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo về tình hình chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) trên địa bàn TP trong 5 năm qua.
Người dân một chung cư tại TP HCM căng băng rôn đề nghị sớm có sổ hồng.
Người dân một chung cư tại TP HCM căng băng rôn đề nghị sớm có sổ hồng.

25.631 căn nhà bị “tắc” sổ hồng

Tổng hợp số liệu từ 53 dự án trên tổng số 490 dự án nhà ở tại TP HCM thuộc 12 DN, có 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) đã bị chậm cấp sổ hồng. Thống kê này chỉ đề cập đến các dự án được phê duyệt trong các năm 2015-2019.

HoREA cho rằng, Sở TN&MT từng thừa nhận, hiện nay TP còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Nếu thống kê đầy đủ, số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng còn lớn hơn nhiều lần. Việc “tắc” tiền sử dụng đất dẫn đến “tắc” sổ hồng cho người mua nhà, đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy.

Hệ lụy đầu tiên là không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà. 

Kế đến, sự tắc nghẽn này làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Số thu tiền sử dụng đất bị giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2%. Năm 2019, thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2020, TP chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với 8 tháng đầu năm 2019. 

Điều đáng quan tâm là tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của TP 5 năm qua chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách). Nếu tháo gỡ được ách tắc tiền sử dụng đất sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách.

Việc chậm cấp sổ hồng cũng làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, vì đã không thu được 5% giá trị hợp đồng (còn lại), còn bị mang tiếng bội tín với khách hàng. Trong 5 năm qua, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị “tắc” sổ hồng và bị tổn hại về uy tín thương hiệu.

Việc chậm bàn giao sổ hồng còn làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện. Đã có một số trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.  

HoREA nhận định, trong thời gian qua đã xuất hiện nguy cơ “rủi ro trong thi hành công vụ” liên quan đến quá trình xác định tiền sử dụng đất và cấp sổ hồng, có một phần do hệ thống pháp luật chưa thật đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ và tính liên thông.

Kiến nghị 7 giải pháp

Trước thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị 7 hướng tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy nhanh việc cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Thứ nhất, đề nghị UBND TP xem xét ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà. 

Thứ hai, về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, nên tách ra xử lý riêng với một số biện pháp bảo đảm. Các căn hộ và diện tích kinh doanh chủ đầu tư giữ lại chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau, khi đã có kết luận của cơ quan thẩm quyền.  

Thứ ba, đề nghị UBND TP chỉ đạo xây dựng hoàn thiện quy trình công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất của Sở TN&MT và Sở Tài chính.

Thứ tư, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Tài chính xem xét, sớm giải quyết các dự án đã tạm nộp tiền sử dụng đất theo 2 hướng. Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về thuế phù hợp từng thời kỳ.

Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất không có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức này không phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp.  

Thứ năm, TP nên xem xét không thu thêm tiền sử dụng đất với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi... đối với các dự án nhà chung cư đã được duyệt phương án xác định giá đất cụ thể và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.  

Thứ sáu, đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo Sở TN&MT cấp sổ hồng cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư.

Cuối cùng là UBND TP cần chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung). TP cần phải sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án và kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư, không để tình trạng tiếp tục “treo” các dự án, gây bức xúc cho các chủ đầu tư và người mua nhà.

Trước đó, ngày 10/9, tại hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất”, nhiều DN bày tỏ bức xúc về việc cơ quan chức năng chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà. Nguyên nhân là vướng khâu xác định tiền sử dụng đất trong khi đây không phải lỗi của chủ đầu tư và người dân.

Lắng nghe những bức xúc của DN, ông Trần Văn Thạch, PGĐ Sở TN&MT TP HCM thừa nhận, công tác cấp sổ hồng cho các dự án trên địa bàn TP thời gian qua bị tắc nghẽn khá dài.

Theo ông Thạch, vướng mắc chủ yếu là do chưa có bộ quy tắc về tiêu chí và phương án thẩm định giá đất. Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn thu thập thông tin, đi tìm lại giá thị trường của những năm trong quá khứ không thuận lợi.

Phương pháp tính theo thu nhập khác hoàn toàn với phương pháp thặng dư... Cộng thêm khác biệt về quan điểm cũng như công tác chủ quan trong quá trình thụ lý hồ sơ đã dẫn đến quy trình rà soát theo quy định, xin ý kiến, kiến nghị bị kéo dài, dẫn đến ách tắc.

Tuy nhiên, ông Thạch xác nhận, những vướng mắc phổ biến của các dự án nhà ở trong quá trình cấp sổ hồng không chỉ ách tắc ở khâu tính tiền sử dụng đất mà còn nằm ở nghĩa vụ bổ sung (do dự án có sự điều chỉnh khác với ban đầu), hoặc vướng đất công xen cài, vướng tài sản có nguồn gốc công sản...

Nếu dự án làm bài bản, đấu giá, tính tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đã hoàn tất thì quá trình cấp sổ hồng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do có quá nhiều luật liên quan điều chỉnh và thực tế các dự án trong quá trình triển khai cũng phát sinh thêm nhiều công đoạn nên phải mất thời gian bổ sung hồ sơ pháp lý.

Ông Thạch cho rằng, với những trường hợp vướng mắc trong phạm vi thành phố xử lý được, các sở ngành đều có tham mưu, đề xuất UBND TP hướng giải quyết. Những trường hợp vượt thẩm quyền của TP sẽ phải kiến nghị ra TW.

Đọc thêm