“Tắc” tiền sử dụng đất, doanh nghiệp bất đắc dĩ "bội tín" với khách hàng

(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản có năng lực về tài chính muốn được nộp tiền sử dụng đất để làm “sổ hồng” cho cư dân thế nhưng muốn nộp cũng không hề đơn giản. Việc “tắc” tiền sử dụng đất dẫn đến doanh nghiệp bất đắc dĩ “bội tín” với khách hàng rồi dẫn tới nhiều hệ lụy như khiếu kiện, căng băng rôn, biểu tình...
Hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" diễn ra sáng ngày 10/9.
Hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" diễn ra sáng ngày 10/9.

Tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/9, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP HCM đã lên tiếng về vấn đề kể trên.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, hiện có 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ tại TP HCM chưa được cấp sổ đỏ. Nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, có dự án đã triển khai công tác định giá đất gần 5 năm, thậm chí có dự án chủ đầu tư đã hoàn tất việc tạm nộp tiền sử dụng đất 3 - 4 năm nhưng vẫn đang tiếp tục phải chờ...

Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland - cho biết, doanh nghiệp này hiện có 11 dự án nhà ở tại TP HCM bị vướng mắc trong đó có hàng nghìn căn hộ chưa được cấp “sổ hồng”. Có nhiều trường hợp, doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chủ yếu là các dự án đã bàn giao cho cư dân sinh sống 2 - 3 năm nhưng người dân vẫn chưa được cấp "sổ hồng".

Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland - nêu ý kiến tại hội thảo.
 Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland - nêu ý kiến tại hội thảo.

Tương tự, ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh - cho biết, Tập đoàn Hưng Thịnh hiện có 13 dự án với khoảng 9000 căn hộ chưa được cấp “sổ hồng”. Tất cả những dự án trên đều được xây dựng theo thẩm duyệt, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng tuy nhiên bị vướng mắc một là chưa xác định được tiền sử dụng đất lần đầu, hai là chưa xác định được tiền sử dụng đất bổ sung (tại những dự án có điều chỉnh quy hoạch nhưng không cơ quan nào xác định rằng doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung hay không...). Điều này đẩy doanh nghiệp vào 1 vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh.

Trước những ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản, ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, thừa nhận việc giải quyết các vướng mắc vẫn còn rất chậm. Hiện còn hơn 100 hồ sơ của doanh nghiệp chưa được giải quyết. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tính giá đất được cho 38 dự án, sắp tới sẽ trình UBND TP HCM thông qua thêm 49 dự án.

Ông Thạch nhận định quy trình tính giá tiền sử dụng đất không khó, chủ yếu vướng về mặt kỹ thuật, pháp lý. đi sâu vào từng dự án có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn về pháp lý. Hiện, Sở đang tập hợp, phân loại các dự án vướng mắc, báo cáo UBND TP HCM để kiến nghị lên các Bộ có những cơ chế gỡ vướng cho doanh nghiệp và người dân.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đều mong muốn UBND TP HCM sớm xem xét định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, trên cơ sở đó nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân cư. Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng người dân chưa được xét cấp "sổ hồng", đơn vị quản lý nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, vấn đề này được giải quyết nhanh sẽ giảm bức xúc cho người dân, tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế và tạo sự lan tỏa, phục hồi thị trường bất động sản sau dịch Covid-19.

Đọc thêm