Hốt hoảng khi xem nhà báo, cô giáo trong phim Việt

(PLO) - Không phải lúc nào những nghề đặc thù cũng được phản ánh đúng trên phim. Nhiều “hạt sạn” to tướng đã đem đến cho "nguyên mẫu", những người trong nghề và người xem sự khó chịu.
Đức Khuê diễn vai nhà báo trong phim "Đối thủ kì phùng".
Đức Khuê diễn vai nhà báo trong phim "Đối thủ kì phùng".
Nhà báo “hổng giống ai”
“Đối thủ kì phùng” là bộ phim đang chiếu trên VTV quanh đề tài nóng của xã hội như các vụ tham nhũng, các âm mưu phạm tội theo tập đoàn, âm mưu, thủ đoạn trong các dự án và các vụ chạy án… Phim có nội dung khá hấp dẫn và dàn diễn viên hùng hậu. Tuy nhiên, khi đang đi vào những tập cuối cùng, bộ phim bị một bộ phận dư luận không hài lòng, lý do là cách xây dựng hình ảnh nhân vật nhà báo quá khiên cưỡng, cường điệu. 
Nhân vật nhà báo trong phim được cho là một nhà báo điều tra tầm cỡ. Thế nhưng, theo những gì người xem thấy được trên phim, chỉ là một anh nhà báo khá… ngớ ngẩn và có nhiều hành xử… không giống ai(!) khi phạm nhiều lỗi sơ đẳng của một nhà báo điều tra, vi phạm đạo đức báo chí.
Chuyện nhà báo lên phim và bị phản ứng, đây không phải là lần đầu. Trước đó, người ta đã nhặt được không ít “hạt sạn” khi nghề báo lên phim. Có một thời, phim về các nhà báo và nghiệp vụ báo chí nở rộ, nhiều hình mẫu nhà báo trên phim đã đi vào lòng người xem: “Phóng viên thử việc”, “Nghề báo”, “Tin vào điều không thể”, “Đàn trời”… Tuy nhiên, nhiều hình ảnh nhà báo trong phim vẫn bị phê phán là quá lố, phi thực tế. 
Ví như, chuyện một phóng viên thử việc chuyên hành động nhập vai đơn lẻ và lúng túng đến tội nghiệp trong “Phóng viên thử việc”, hay một nhà báo được cho là giỏi mà khi tác nghiệp lại thiếu kiểm chứng thông tin, tự xưng danh nhà báo ở những nơi cần kín đáo để điều tra… trong “Nghề báo”. “Không biết tại sao mô típ nhà báo lên phim nếu không huênh hoang, khệnh khạng thì lại ngớ ngẩn. Cứ như thế này, thiên hạ hiểu sao về nghề báo đây?” – không ít nhà báo thực sự ngoài đời khi xem phim đã thốt lên như vậy. 
Có lẽ các nhà làm phim khi thực hiện nhiều vai diễn về nghề báo – một nghề khá đặc thù đã xây dựng trên sự hình dung của mình mà không có những tìm hiểu, đào sâu trên thực tế, vì thế khó tránh khỏi nhân vật bị khiên cưỡng, cường điệu, gây “sạn” cho người xem.
Những thầy cô… kì quặc
Một hình tượng khác, trên phim thi thoảng cũng bị “làm lố”, đó là các nhà giáo. Trong các bộ phim ngày trước, các nhà giáo luôn đi cùng với sự nghiêm cẩn hay dịu dàng, hiền hòa, với những chuẩn mực nghiêm túc về người thầy như bất cứ ai từng đi học cũng từng biết. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, để phù hợp với đời sống hiện đại, hình tượng nhà giáo trên phim có phần gần gũi, mềm mại hơn. Thậm chí, có nhiều nhà giáo mang tính… hài hước, gây cười. Nhưng cái gì quá cũng không hay. Khai thác triệt để yếu tố gây cười, nhiều đạo diễn đã biến nhà giáo thành những thầy cô… kì quặc. 
Trước đây, trong bộ phim hài “Đại náo học đường” của đạo diễn Lê Bảo Trung, khán giả đã một phen giật mình khi nhân vật cô giáo Thảo do diễn viên Hiền Mai thủ vai… không giống ai. Một cô giáo tuy thương yêu học trò nhưng với xuất thân đặc biệt, là cháu gái trùm giang hồ nên có những hành động như chạy xe mô tô phân khối lớn rú ga ầm ĩ hay biểu diễn những pha võ thuật ngoạn mục với các tay anh chị… Đây có lẽ là nhà giáo kì quái nhất từng xuất hiện trên màn ảnh và khiến không ít khán giả là giáo viên phải cau mày.
Trong một bộ phim đình đám khác, bộ ba Phương Thanh, Hồng Nhung, Siu Black đã thể hiện những hình ảnh giáo viên không kém lạ lùng, hay nói cách khác là có phần… đồng bóng. Một giám thị Phương Thanh cứng nhắc, khá quái dị và đáng sợ. Một cô giáo Hồng Nhung điệu đà thái quá biến trường học thành sân khấu trình diễn thời trang áo dài và một cô giáo Siu Black hơi… sỗ sàng đã khiến bộ phim tuy có gây cười nhưng cũng đem lại những phản ứng trái chiều khi miêu tả quá lố về nghề giáo.
Cảnh phim Cảnh sát hình sự
 Cảnh phim Cảnh sát hình sự
Có lẽ hình tượng đẹp nhất và ít “sạn” nhất khi lên phim chính là những người chiến sĩ Công an nhân dân. Rất nhiều bộ phim về cảnh sát hình sự được khán giả đón nhận nồng nhiệt như: “Cảnh sát hình sự”, “Chạm tay vào nỗi nhớ”, “Cha và con”, “Bí mật tam giác vàng”… khi hội tụ đủ các yếu tố: ngoại hình diễn viên sáng đẹp, diễn xuất hay, toát lên được tinh thần quả cảm, khả năng nghiệp vụ và tấm lòng của người chiến sĩ công an. Hay như những bộ phim về các bác sĩ, hầu như đều thành công khi xây dựng hình ảnh những thiên thần trong blue trắng với lương tâm – trách nhiệm chinh phục phần đông khán giả.
Như thế để thấy rằng, các nhà làm phim hoàn toàn có thể đưa những nghề nghiệp đặc thù lên phim và xây dựng nên những nhân vật đẹp, hay đủ có thể trở thành một đại diện, một hình mẫu. Điều quan trọng là họ có chịu khó đầu tư, tìm tòi để phản ánh một cách chân thật, sâu sắc hay không mà thôi.