“Trong các đối tượng được TGPL, trẻ em là đối tượng khá nhạy cảm. Có những vụ án, cả bị hại và bị cáo đều thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, bởi vậy đòi hỏi trợ giúp viên không chỉ tinh thông về nghiệp vụ mà còn cần trang bị những kiến thức xã hội và kỹ năng mềm”- Bà Đỗ Thị Hải, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hưng Yên chia sẻ. Theo bà Hải, trẻ em bị hại cũng như trẻ em phạm tội hầu hết đều do thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu sự quan tâm sát sao của gia đình.
Do đó, để thực hiện tốt vai trò đại diện, trợ giúp pháp lý cho bị hại hoặc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo trong mỗi vụ án cụ thể, trợ giúp viên pháp lý không chỉ cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, vận dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ mà đôi khi cần phải vào vai người thân, người chị, người mẹ, tạo lòng tin cho các em, động viên các em vượt qua sự hoảng loạn (nhất là trong các vụ án hiếp dâm, dâm ô mà trẻ em là nạn nhân) để các em tin tưởng chia sẻ. Bà Hải không nhớ đã tham gia trợ giúp cho bao nhiêu trường hợp, song các đối tượng là trẻ em bà nhớ rất rõ. Từ năm 2018 đến nay, bà đã tham gia TGPL cho 82 trẻ em. 82 vụ việc là 82 hoàn cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau, trong đó, Đ.T.H.L ở xã Long Hưng (Văn Giang), nạn nhân trong vụ án hiếp dâm trẻ em, xảy ra cuối năm 2020. Bà Hải kể, L. sinh năm 2008, gia đình có 3 chị em gái, các chị gái đã lập gia đình.
Cuối năm 2020, trong thời gian học online, L. có quen biết qua mạng và nảy sinh tình cảm với Nguyễn Hải Đ. ở Hà Nội là người đã có vợ. Sau một thời gian hẹn hò, cả hai đã nhiều lần gặp gỡ và trong những lần đó đều phát sinh quan hệ. Sự việc vỡ lở nhưng L. im lặng, không chia sẻ. Khi tiếp cận đối tượng, trợ giúp viên đóng vai một người thân, một người bạn, gần gũi, gợi mở và cuối cùng L. cũng hợp tác, kể lại rành mạch, đầy đủ sự việc với trợ giúp viên, nhờ đó có đủ căn cứ để giải quyết vụ án… Qua vụ việc trên cho thấy một bộ phận trẻ em còn thiếu hiểu biết pháp luật, có suy nghĩ lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội nói chung và mối quan hệ nam/nữ nói riêng, vô hình trung tự biến mình thành nạn nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự kèm cặp giáo dục sát sao của gia đình.
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hưng Yên Hoàng Văn Trường cho biết, để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống xâm hại trẻ em theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và triển khai các văn bản có liên quan đến chính sách bảo vệ trẻ em, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện TGPL cho trẻ em. Do đó, số lượng trẻ em được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí tại địa phương ngày càng tăng, từ năm 2020 đến 31/3/2023, trung tâm đã thực hiện, TGPL 28 vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc lựa chọn, phân công trợ giúp viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt trực tiếp đảm nhiệm TGPL cho trẻ em, trung tâm còn chú trọng trợ giúp gián tiếp thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các bậc phụ huynh, nhà trường và học sinh với hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các đợt truyền thông, các kênh thông tin đại chúng, bảng tin, hộp tin, tờ gấp... về TGPL. Các hoạt động truyền thông ngày càng thu hút được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan, từ đó nâng cao nhận thức của người dân nói chung, trẻ em và người thân của họ về quyền được TGPL.
Từ ngày 1/2/2023 đến nay, trung tâm đã phối hợp với Tỉnh đoàn và các nhà trường tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho học sinh, học viên các trường bậc học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn với hơn 2,7 nghìn lượt người tham gia với các nội dung chủ yếu: Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Giao thông đường bộ; các hành vi vi phạm pháp luật mà học sinh, trẻ em dễ mắc phải...
Qua các cuộc truyền thông đã tư vấn, giải đáp trực tiếp 68 câu hỏi của các học sinh. Em Bùi Diệu Linh, học sinh lớp 12A1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mỹ Hào (cơ sở 2) chia sẻ: “Tham gia buổi truyền thông pháp luật, em được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích về pháp luật, từ đó nhận ra những hành vi nên và không nên trong cuộc sống, học tập; cách ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè... từ đó giúp em biết cách tự bảo vệ bản thân...”.
|
Để thực hiện tốt công tác TGPL nói chung và TGPL cho trẻ em nói riêng, thời gian tới Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho các trợ giúp viên và cộng tác viên TGPL; phân công trợ giúp viên có kinh nghiệm, kỹ năng tốt “theo” các vụ việc liên quan đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật liên quan đến trẻ em, đồng thời tuyên truyền xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em rèn luyện, trưởng thành, phát triển đúng hướng, tránh xa các, tệ nạn xã hội, góp phần ngăn ngừa sớm tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn nhân do thiếu hiểu biết pháp luật gây ra.