Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều cha mẹ có con sơ sinh thiếu tháng lo lúc được về nhà, ra môi trường ngoài bệnh viện con không thích nghi được, lo sơ sẩy khi con yếu ớt, lo không biết con ăn sữa nào phù hợp, ăn mãi không tăng cân...
Khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc con sinh thiếu tháng. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc con sinh thiếu tháng. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Trung bình mỗi ngày Khoa sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận trung bình 100 trẻ sinh thiếu tháng (sinh non). Khoa đã cứu sống nhiều sơ sinh nặng, sơ sinh non yếu với cân nặng rất thấp, cực thấp.

Cứu được con và điều trị được những bệnh lý của trẻ sinh non là nỗ lực rất lớn của các y bác sĩ Khoa Sơ sinh. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình nuôi dưỡng trẻ sơ sơ sinh non tháng.

Nhiều cha mẹ có con sơ sinh thiếu tháng chia sẻ, lo nhất là lúc con được về nhà, ra môi trường ngoài bệnh viện con không thích nghi được. Lo sơ sẩy khi con yếu ớt, lo không biết con ăn sữa nào phù hợp, ăn mãi không tăng cân... Tiếng húng hắng của con có khi cũng khiến cha mẹ giật mình.

Trước những băn khoăn, lo ngại của cha mẹ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà:

Theo hướng dẫn, về dinh dưỡng, thông thường giai đoạn đầu, phản xạ bú cũng như khả năng tiêu hoá của bé sinh non rất kém vì vậy các bố mẹ phải tập cho con ăn. Em bé sẽ được tập bú, đến khi bú được bình (loại bú đơn giản nhất) thì sẽ chuyển sang bú mẹ.

Nếu như con không bú bình, không bú mẹ được thì phải xúc thìa. Làm như thế nào để đảm bảo lượng ăn theo công thức được áp dụng với từng bé. Công thức này khi các bé xuất viện đã được bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn riêng để bố mẹ có thể tính được lượng sữa trong ngày. Tuy nhiên lượng ăn của các bé non tháng cũng sẽ mâu thuẫn vì nhu cầu của các bé thì cần nhưng các bé ăn được lại ít. Do vậy bố mẹ cần lựa chọn loại sữa nhiều năng lượng hơn. Với sữa mẹ thì mẹ có thể vắt bỏ lượng sữa trong lúc ban đầu.

Về vệ sinh, bố mẹ phải đặc biệt lưu tâm đến việc vệ sinh đôi bàn tay của người chăm sóc trẻ. Bố mẹ có thể rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc bé. Nếu sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh (hoá chất) thì chỉ dùng trong trường hợp không phải chăm bé ăn. Khi bàn tay sạch chăm sóc các em bé thì sẽ giảm được rất nhiều nguy cơ bệnh tật

"Bố mẹ có thể mua chăn nhỏ trải ra để đặt em bé thay vì trực tiếp đặt các bé trên ga trải giường để tạo một cái môi trường vô khuẩn tối đa khi ở nhà. Chăn này sẽ được thay mới cùng với việc thay quần áo của bé. Vì ga trải giường nhìn thì tưởng sạch nhưng bản thân bố mẹ đi đất rồi lại leo lên, ngồi chỗ này chỗ kia xong lại lên giường...", các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lưu ý.

Cũng theo các chuyên gia chăm sóc trẻ sơ sinh, rất nhiều mẹ khi đón con ra viện thì mất sữa (do xa con lâu, hoặc vất vả quá) nên phải cho con ăn sữa ngoài. Vì vậy tất cả dụng dụng cụ cho con ăn phải rửa sạch, nếu có điều kiện thì tiệt trùng.

Cha mẹ cần chú ý, nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ sơ sinh non tháng là từ 28 – 30 độ C. Với nhiệt độ như vậy người lớn vào sẽ thấy hơi nóng có thể bật quạt nhỏ. Vì khí hậu của Việt Nam là nhiệt đới thay đổi thất thường nên với trường hợp bé sinh non gia đình nên sử dụng điều hoà để ổn định nhiệt độ trong phòng cho bé.

Độ ẩm nên để ở mức 70 – 75%. Sử dụng điều hoà cũng giúp cho điều tiết độ ẩm trong phòng nếu độ ẩm thấp. Nếu độ ẩm trong phòng cao thì bố mẹ có thể sử dụng máy phun sương hoặc đơn giản chỉ là để chậu nước trong phòng để làm tăng độ ẩm. Có như vậy không khí vào phổi em bé ổn định được.

"Nếu có điều gì bất thường liên quan đến sức khoẻ của bé, bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám kịp thời. Hoặc liên hệ đặt khám tại Khoa khám chuyên gia tầng 1 nhà B - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội", các bác sĩ khuyến cáo.

Hàng năm, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận khoảng trên 15.000 ca sinh non trong đó 70% là ở tuổi thai rất non: 28 – 33 tuần, trẻ sơ sinh non tháng cân nặng cự thấp là 2.500 trẻ. Mỗi ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân đều là những "cuộc chiến". Trẻ sinh non tháng nhẹ cân dễ tử vong do suy hô hấp, nhiễm trùng. Hơn 3/4 trẻ sinh non có thể được cứu sống bởi chăm sóc, nuôi dưỡng, và những chế độ điều trị đặc biệt ngày từ những giờ đầu sau sinh.