Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em nhiễmCOVID-19 có chiều hướng tăng lên, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em.
Điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.
Điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.

Theo đó, phần lớn trẻ em mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (chiếm 55%), tỷ lệ diễn biến bệnh ở mức trung bình (chiếm 40%), nặng (chiếm 4%), nguy kịch (chiếm 0,5%). Riêng đối với trẻ mắc bệnh nền, trẻ dưới 12 tháng tuổi, có nguy cơ cao diễn biến nặng.

Thời gian ủ bệnh của bệnh nhi mắc COVID-19 từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Bệnh khởi phát với một hay nhiều triệu chứng, như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ, tuy nhiên trẻ thường không có triệu chứng. Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi hay viêm phổi và tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh.

Cũng theo Bộ Y tế, có khoảng 0,7% số trẻ mắc bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng, như: Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền. Riêng MIS-C ở trẻ mắc COVID-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu từ 2-6 tuần sau nhiễm bệnh nhưng thường diễn tiến nặng có thể gây tử vong.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở trẻ, bao gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...); bệnh thận mạn tính, ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác và các bệnh hệ thống.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, về nguyên tắc điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc. Phân loại trẻ mắc bệnh theo mức độ và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh.

Bộ Y tế đã đưa ra tiêu chuẩn xuất viện đối với trẻ mắc COVID-19, đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị, được ra viện khi đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) vào ngày thứ 9. Đối với các trường hợp có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tối thiểu 14 ngày; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với vi rút SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) vào trước ngày ra viện.

Đối với các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút Ct < 30, được ra viện khi cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày (tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính) và các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.

Khi trẻ xuất viện cần phải thông báo cho y tế cơ sở và CDC địa phương biết để phối hợp theo dõi. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, biện pháp phòng COVID-19 tối ưu nhất hiện nay vẫn là tuân thủ 5K, kết hợp với tiêm vaccine.

Gia tăng trẻ nhiễm COVID-19 ở các tỉnh, thành

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, trên địa bàn ghi nhận thêm 1 ổ dịch mới gồm 5 ca mắc tại phường Hiệp Sơn (thị xã Kinh Môn, 2 ca sàng lọc cộng đồng, 3 ca F1). Trong đó có 4 trường hợp là học sinh lớp 9 Trường THCS trên địa bàn.

Tại Quảng Ngãi, đã ghi nhận 14 ca dương tính với SARS-CoV- 2 ở Trường Tiểu học Nghĩa Thọ, trong đó có 1 cô giáo, 13 học sinh.

Còn tại TP HCM, các bệnh viện nhi liên tục ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Cụ thể như Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị gần 60 trẻ F0 và 60 phụ huynh (vừa là F0, F1), đa số trẻ nhập viện có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận… Trong đó có 14% trẻ chuyển nặng. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30-50% so với hồi giữa tháng 10.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện cũng đang điều trị gần 200 bệnh nhân, trong đó có 100 F0 là trẻ em. Có đến 40% trẻ có bệnh nền như gan, thận, não, tim.

Đọc thêm