Hướng dẫn làm đẹp trên mạng: Nhiều kiến thức sai lệch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều clip hướng dẫn làm đẹp được đăng tải trên Youtube, Tiktok thu hút hàng ngàn lượt xem nhưng chứa thông tin sai lệch về sức khỏe, gây nguy hiểm cho người dùng.
Ảnh cắt từ clip trên mạng hướng dẫn cách chế thuốc “giảm cân” từ chanh.
Ảnh cắt từ clip trên mạng hướng dẫn cách chế thuốc “giảm cân” từ chanh.

Trào lưu giảm cân từ Tiktok

Trên Tiktok có không ít những trào lưu làm đẹp thu hút rất nhiều người xem và cũng đem lại nguồn lợi khổng lồ cho người thực hiện. Vì thế, nhiều Tiktoker liên tục cho ra đời những clip, tạo ra nhiều “trend” làm đẹp, bất chấp kiến thức sai lệch gây nguy hại đến người dùng.

Thịnh hành hiện nay trên Tiktok là trào lưu tiêm thuốc hỗ trợ tiểu đường để giảm cân. Trên Tiktok toàn cầu, có đến đã 350 triệu lượt gắn thẻ trong các clip nói về chuyện tiêm Ozempic, thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường. Các clip quay cảnh các cô gái tiêm Ozempic vào bụng và chia sẻ mong muốn giảm cân nhanh chóng được lan truyền mạnh.

Tại Việt Nam, tuy chưa có clip cảnh tự tiêm nhưng nhiều Tiktoker cũng đã nhắc đến phương pháp giảm cân này như một trào lưu làm đẹp đang nổi và khuyến khích thử nghiệm kèm theo hướng dẫn. Theo hướng dẫn, thuốc được tiêm vào bụng, đùi hoặc cánh tay và nhanh chóng ngăn chặn sự thèm ăn, giúp giảm cân siêu nhanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã cảnh báo, thuốc Ozempic có thể có khả năng giảm cân, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý khác bởi những tác dụng phụ nếu bị sử dụng sai cách, không dùng với mục đích chữa bệnh.

Ngoài ra, Tiktok còn xuất hiện nhiều clip hướng dẫn các cách thức giảm cân khác mà không có chứng cứ khoa học. Như một số phương pháp nhịn ăn cực đoan để giảm cân. Một số phương pháp “thanh lọc cơ thể” như uống từ 5 – 7 quả chanh một ngày, uống nước trái cây thay ăn trong nhiều ngày liền, nhịn ăn liên tục, uống ớt bột, uống cafe thải độc ruột...

Các phương pháp này được giới thiệu giúp giảm cân rất nhanh, thậm chí có thể giảm 3 - 5kg trong vài ngày nên không ít bạn trẻ áp dụng thử. Tuy nhiên, có nhiều cảnh báo được đưa ra liên quan đến các chứng đau dạ dày, tụt huyết áp, hại gan, thận... khi sử dụng một số phương pháp cực đoan trên.

Cạnh đó, một số bài tập khó nhằm đốt mỡ, giảm cân cũng lan truyền trên các mạng xã hội, trong đó nhiều phương pháp tập nặng, sai tư thế, có thể gây ra các hậu quả như tổn thương cơ, tổn thương đốt sống, chấn thương... gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tiktoker không phải chuyên gia làm đẹp

Ngoài hướng dẫn giảm cân, Tiktok còn lan truyền rất nhiều phương pháp, trào lưu làm đẹp được giới trẻ thích thú, tham gia. Các “chuyên gia làm đẹp” tự phong trên mạng đã đưa ra nhiều phương pháp trẻ hóa, trắng da phản khoa học, có thể gây tổn thương làn da. Như trào lưu dùng baking soda như “mỹ phẩm” dưỡng da mặt.

Trong các video hướng dẫn, một số Tiktoker đã đưa ra cách dùng baking soda như một loại tẩy tế bào chết hữu hiệu. Nhiều người còn có clip hướng dẫn cách làm mặt nạ từ baking soda, với lời giới thiệu công dụng tuyệt vời là giúp trị mụn, trắng da nhanh chóng...

Trong khi đó, baking soda là một loại chất thường dùng trong thực phẩm, còn gọi là “thuốc muối”. Trong dược phẩm, baking soda cũng được dùng trong một số trường hợp, nhưng hầu như chưa có chuyên da da liễu nào khuyên dùng baking soda để thay cho mặt nạ, mỹ phẩm tẩy tế bào chết.

Một trào lưu khác cũng rất phổ biến trên mạng là làm đẹp da bằng... nước đá. Trong hàng loạt các clip xuất hiện trên Youtube, Tiktok và Facebook, người thực hiện đã hướng dẫn cách làm nước đá sạch để dưỡng da: dùng nước tinh khiết hoặc nước ép trái cây bỏ đông đá, sau đó lăn lên mặt, chườm lên mắt. Phương pháp này được cho là giúp làn da săn chắc, thu hẹp lỗ chân lông, trẻ hóa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia làm đẹp đã phản bác vì cách làm này có thể gây những tổn thương làn da, nhiễm khuẩn cho da.

Nhiều Tiktoker cũng hướng dẫn cách tự... lăn kim tại nhà để trẻ hóa da bằng cách mua bộ lăn kim, tự thao tác trên da bản thân. Cách làm này cũng được cho là gây ra những phản ứng phụ có thể gây tổn thương đến da mặt.

Không ít bạn trẻ hiện coi Tiktok, mạng xã hội như “bách khoa toàn thư” và các Tiktoker như một kiểu “chuyên gia”. Lời của những “chuyên gia” này thường được làm theo không cần kiểm chứng và nhanh chóng lan truyền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều kiến thức sai lệch, trào lưu nguy hại đến từ các clip thịnh hành trên mạng xã hội. Nghiện mạng, học theo trào lưu trên mạng bất chấp rất có thể gánh hậu quả, đã không đẹp thêm lại có nguy cơ “rước họa vào thân”, tổn thương sức khỏe, tâm lý.

Thực tế trên không chỉ cảnh báo người dùng mạng mà còn đặt ra vấn đề với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát nội dung trên Tiktok nói riêng và mạng xã hội nói chung, nhất là các thông tin liên quan đến cung cấp kiến thức về sức khỏe, ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng.

Đọc thêm