Hướng dẫn mới về mức đóng BHXH có hiệu lực từ 01/5/2017

(PLO) - Từ ngày 01/5/2017, Quyết định 595/QĐ-BHXH về việc ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT bắt đầu có hiệu lực thi hành và thay thế cho Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam. 
Hướng dẫn mới về mức đóng BHXH có hiệu lực từ 01/5/2017

Theo đó, về phần hướng dẫn mức đóng BHXH bắt buộc, có nội dung đáng chú ý là: “Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 4 và người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng: mức đóng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất”.

So với Quyết định 959 thì nội dung này có 02 điểm mới sau đây:

Một là, bổ sung đối tượng được tham gia đóng BHXH bù vào thời gian còn đóng thiếu để được hưởng chế độ BHXH, đó là: “người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc”.

Hai là, tại Quyết định 959 quy định việc đóng bù này chỉ thực hiện đến 31/12/2015, từ ngày 01/01/2016 trở đi sẽ thực hiện theo Văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Bởi vậy, nhiều người thắc mắc hiện nay sẽ áp dụng theo văn bản cụ thể nào. Với nội dung mới này tại Quyết định 595 sẽ giúp giải đáp được thắc mắc đó.

Đồng thời, Quyết định 959 cũng đề cập một cách chi tiết và rõ ràng về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động (do đơn vị quyết định).

Điều 4. Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);

1.3. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

1.4. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đối với trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH tỉnh;

1.5. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

1.6. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

1.7. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ được áp dụng đối với các hợp đồng sau:

a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

c) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;

d) Hợp đồng cá nhân.

1.8. Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH;

1.9. Người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và Điểm 1.6 Khoản này được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc;

Đọc thêm