Hướng dẫn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Đối tượng nào phải quyết toán thuế?

(PLVN) - Triển khai công tác quyết toán thuế (QTT) thu nhập cá nhân (TNCN), ngày 12/3/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 636/TCT-DNNCN về việc hướng dẫn QTT TNCN. 
Hướng dẫn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Đối tượng nào phải quyết toán thuế?

Công văn Tổng cục Thuế cho biết, ngày 13/06/2019 Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020; ngày 02/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN; ngày 19/10/2020 Chính phủ ban hành Nghị định126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, theo đó có một số quy định mới liên quan đến QTT TNCN. 

Liên quan đến đối tượng phải QTT, Công văn 636/TCT-DNNNCN lưu ý:

* Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai QTT TNCN với cơ quan thuế (CQT) nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Cá nhân có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì năm quyết toán đầu tiên là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam khai QTT với CQT trước khi xuất cảnh. Trường hợp cá nhân chưa làm thủ tục QTT với CQT thì thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác QTT theo quy định về QTT đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức trả thu nhập hoặc tổ chức, cá nhân khác nhận ủy quyền quyết toán thì phải chịu trách nhiệm về số thuế TNCN phải nộp thêm hoặc được hoàn trả số thuế nộp thừa của cá nhân.

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập QTT thay mà phải trực tiếp khai quyết toán với CQT theo quy định.

* Đối với tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai QTT TNCN không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế và QTT TNCN thay cho cá nhân có ủy quyền. Trường hợp cá nhân có uỷ quyền QTT TNCN cho tổ chức và có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống thuộc diện được miễn thuế thì tổ chức trả thu nhập vẫn kê khai thông tin cá nhân được trả thu nhập đó tại hồ sơ khai QTT TNCN của tổ chức và không tổng hợp số thuế phải nộp thêm của các cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống. Trường hợp tổ chức trả thu nhập đã QTT TNCN trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì không xử lý hồi tố.

Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình DN hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm QTT TNCN theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và tổ chức trả thu nhập mới thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức trả thu nhập cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).

* Đối với ủy quyền QTT TNCN

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền QTT TNCN cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cụ thể như sau:

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc QTT, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch. Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình DN hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì cá nhân được ủy quyền QTT cho tổ chức mới.

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập QTT, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm dương lịch; đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu QTT đối với phần thu nhập này.

- Cá nhân sau khi đã ủy quyền QTT, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện QTT thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp QTT với CQT thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại QTT TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty đã QTT TNCN thay cho Ông/Bà (theo ủy quyền) tại dòng (sổ thứ tự) .. của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp QTT với CQT.

Đối tượng nào không phải quyết toán thuế?

Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với CQT, cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công trong các trường hợp sau đây không phải QTT TNCN: 

- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ QTT TNCN và không phải nộp hồ sơ miễn thuế. Trường hợp kỳ quyết toán từ năm 2019 trở về trước đã quyết toán trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì không xử lý hồi tố;

- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải QTT đối với phần thu nhập này;

- Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc DN bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải QTT TNCN đối với phần thu nhập này.

Đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công:  Trường hợp tổ chức không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai QTT TNCN.

Đọc thêm