Hướng đi nào cho du lịch Việt sau dịch?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Dù đi du lịch nhưng vẫn ưu tiên dành thời gian cho gia đình”, “du lịch có trách nhiệm, kết nối với thiên nhiên xanh” đang trở thành nhu cầu và xu hướng của số đông du khách sau dịch. Đó là kết quả từ cuộc khảo sát toàn cầu trên nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com với hơn 28.000 du khách tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dành thời gian hơn cho gia đình, kết nối thiên nhiên là những xu hướng du lịch sau dịch. (Ảnh minh họa)
Dành thời gian hơn cho gia đình, kết nối thiên nhiên là những xu hướng du lịch sau dịch. (Ảnh minh họa)

Xuất hiện những giá trị mới

Theo kết quả khảo sát, hơn 1.000 du khách Việt Nam là người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho biết có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới. Có tới 57% số người được hỏi trả lời họ ưu tiên dành thời gian cho gia đình, 43% du khách Việt chọn kỳ nghỉ. Thú vị hơn nữa, khảo sát còn cho biết khoảng 60% du khách ưu tiên một chuyến đi, nghỉ dưỡng xanh, thay vì có cơ hội mua xe ô tô mới, thăng tiến hay nghĩ tới chuyện “tìm kiếm nửa còn lại của mình”.

Mặt khác, theo khảo sát này, phần lớn du khách tại Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đan Mạch… cũng ưu tiên đi du lịch, hơn hẳn so với những nhu cầu khác, đặc biệt là những chuyến nghỉ dưỡng xanh, về nguồn.

Lời giải thích thỏa đáng cho xu hướng này là con người có xu hướng tìm về sự cân bằng trong cuộc sống hiện tại. Sự cân bằng đó đến từ những gì nguyên bản và cốt lõi nhất, như gia đình, nguồn cội, thiên nhiên nguyên sơ và sự tối giản. Trong khảo sát trên, có tới 37% du khách Việt đã chọn “mùi hương đặc trưng của kỳ nghỉ”, hay những trải nghiệm du lịch bằng mọi giác quan ở một vùng đất mới, là điều họ mong muốn trong chuyến đi sau dịch.

Công ty Tư vấn du lịch quốc tế Tour Writer (trụ sở tại New Zealand) cho biết, dù chưa chắc khi nào thế giới có thể tự do đi du lịch một lần nữa, nhưng khi thời điểm ấy đến sẽ có rất nhiều du khách trên toàn thế giới sẵn sàng lên đường để được đoàn tụ với gia đình và bạn bè. Xu hướng mới nổi sau dịch bệnh sẽ bao gồm cả du lịch “về nhà” sau nhiều năm các gia đình bị phân tán bởi các lệnh cấm, giãn cách toàn xã hội, hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới…

Chuyên trang du lịch của tờ Euro News có trụ sở tại Pháp cũng khẳng định, trong năm 2021 du khách sẽ dành nhiều thời gian hơn ở những vùng hoang dã như “một liều thuốc giải độc” cho cuộc sống đô thị hiện đại. Mọi người phải suy nghĩ cẩn thận hơn về cách họ đi du lịch, điều họ muốn tìm kiếm và tác động của họ đến với môi trường. Do vậy, những loại hình như “du lịch sinh thái” và “du lịch chăm sóc sức khỏe” sẽ ngày càng phổ biến. Điều quan trọng nhất du khách muốn tìm kiếm được từ chuyến đi của họ chính là sự “bình yên” sau những năm tháng quá “mỏi mệt” với bệnh dịch.

Du lịch Việt có cơ hội “chuyển mình”

Dù trong bối cảnh dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam vẫn ghi được dấu ấn của mình với bạn bè quốc tế. Công trình Cầu Vàng, thuộc Sun World Ba Na Hills của Sun Group, đã dẫn đầu danh sách Kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của tờ báo Daily Mail (Anh). Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Planet cũng bình chọn Việt Nam là điểm đến ẩm thực hàng đầu cho các du khách độc hành. Trước đó, hàng năm Việt Nam cũng nhiều lần “ẵm” các giải thưởng danh giá từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Một số tờ báo, tạp chí quốc tế khác còn bình chọn Việt Nam là “quốc gia đáng sống”, “điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á”,…

Mới đây, cuộc khảo sát do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) phối hợp với Công ty Valise thực hiện vào hai tháng đầu năm 2021, với sự tham gia của hơn 130 phụ nữ sống tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) còn cho thấy một “điểm sáng” khác. Nhiều nữ du khách Nhật Bản (trong khoảng từ 20-39 tuổi) ưa thích đến Việt Nam nhất trong nhóm các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Trong cuộc họp báo trực tuyến công bố kết quả mới đây, bà Yui Hiramatsu, Trưởng phòng Giải pháp Marketing của Công ty Valise đã nhấn mạnh những yếu tố khiến phụ nữ Nhật Bản thích du lịch Việt Nam là đồ ăn ngon, tiếp theo là những thành phố, thị trấn và những điểm du lịch hấp dẫn, nhiều khách sạn đẹp và chi phí rẻ.

Cụ thể hơn, nhiều nữ du khách Nhật Bản đã đề cập tới ấn tượng của họ đối với văn hoá cà phê ở Hà Nội, thậm chí có tiềm năng phát triển giống như tại thành phố Melbourne (Australia). Dù vậy, người tham gia khảo sát cũng bày tỏ tiếc nuối vì họ chưa được nghe về nhiều lễ hội hay sự kiện đặc biệt nào ở Việt Nam. Khảo sát cũng chỉ ra, sau khi dịch COVID-19 đi qua, có ba vấn đề các nữ du khách Nhật Bản quan tâm nhất: sự sạch sẽ, bảo hiểm cùng các lợi ích khác và hệ thống y tế ở điểm đến.

Mặc dù không biết tương lai của ngành du lịch Việt Nam và trên thế giới sẽ diễn biến như thế nào nhưng các chuyên gia đều khẳng định, chúng ta sẽ không thể đi du lịch tự do như trước đây, ít nhất trong vài năm tới. Điều rõ ràng nhất có thể khẳng định ở thời điểm này là ngành du lịch đã xuất hiện nhiều “lát cắt” mới trước đây chưa hề có hoặc bị “lu mờ” bởi những xu hướng khác. Nếu trước COVID-19 , việc khám phá một thành phố đông đúc và nhộn nhịp sẽ rất thú vị với nhiều du khách, nhưng giờ đây khung cảnh ấy có thể là “cơn ác mộng” gợi lên nỗi lo lắng cho chính họ và những người khác.

Nhiều du khách Việt còn mong muốn những trải nghiệm rất giản đơn khác như: Lần đầu ăn các món ăn mới (24%), cháy nắng (20%), cảm giác cát bỏng rẫy dưới đôi chân trần trên cát (20%), thưởng thức các bữa ăn máy bay và thức dậy giữa đêm khuya để bắt chuyến bay sớm tiếp theo (19%), cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân địa phương (24%)…

Đọc thêm