Hướng đi nào khi trượt lớp 10 công lập?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đỗ được vào lớp 10 của các trường THPT công lập là niềm mơ ước của phần lớn phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có gần 60% chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập. Hơn 40% số học sinh còn lại sẽ “đi về đâu”? Đây đang là nỗi lo lớn của nhiều gia đình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo GD)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo GD)

“Chết lặng” khi biết điểm thi

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (Nghĩa Đô, Hà Nội) chia sẻ, cho đến ngày hôm nay, chị vẫn không quên được nét mặt bàng hoàng của con khi xem điểm thi vào lớp 10. “Con tôi học tương đối tốt. Lúc thi xong, con vẫn tự tin nghĩ rằng mình sẽ đỗ vào THPT Yên Hòa. Tuy nhiên, khi biết điểm chuẩn, con như “chết lặng”. Cả ngày hôm đó, gia đình chìm vào không khí nặng nề”, chị kể.

Được biết, con chị Mỹ Hạnh đạt tổng điểm là 41,25 điểm, trong khi THPT Yên Hòa lấy 42,25 điểm và nguyện vọng 2 THPT Cầu Giấy lấy 41,5 điểm, nguyện vọng 3 của em cũng có điểm chuẩn là 41 điểm. Như vậy, theo quy định tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023, con chị Mỹ Hạnh đã trượt cả ba nguyện vọng. Chị tâm sự thêm: “Từ ngày biết điểm thi, con trốn trong phòng khóc suốt, không dám gặp bạn bè, họ hàng”.

Ngày 30/6, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024, theo chỉ tiêu, chỉ có khoảng 72.000 thí sinh trong tổng số hơn 104.000 thí sinh dự thi được tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm hơn 55%, cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên. Số thí sinh trượt công lập là 33.000 thí sinh, chiếm tỷ lệ 45%.

Không ít học sinh trượt các trường THPT công lập vẫn đang rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng không biết con đường tiếp theo sẽ như thế nào. Trường tư thục có học phí quá cao đối với một số gia đình, còn hệ thống trường giáo dục thường xuyên (GDTX), trường nghề lại khiến nhiều phụ huynh băn khoăn chưa dám quyết định.

Chị Bùi Bích Phượng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, ngày con có kết quả thi, bố mẹ không dám online trên Zalo hay Facebook vì sợ bị mọi người hỏi thăm. “Vốn biết con tiếp thu kiến thức chậm, nhưng khi có điểm, bố mẹ vẫn xót xa. Năm lớp 9 con chăm chỉ lắm, nhưng bố mẹ là lao động chân tay, cũng chẳng thể kèm cặp, định hướng cho con học tập”, chị Phượng tâm sự. Năm nay, con chị trượt cả hai nguyện vọng đầu, chị đang hướng con đi học trường nghề vì gia đình cũng không có điều kiện kinh tế tốt. Chị Phượng cho biết: “Tôi chỉ cần con mạnh khỏe, có một nghề đàng hoàng vừa học, vừa làm. Nhưng chồng tôi vẫn muốn cho con học trường tư, học phí tương đối cao, khiến tôi phải đắn đo, suy nghĩ cả đêm”.

Thực tế, trượt lớp 10 trường THPT công lập không phải là “bước đường cùng” của các em học sinh. Vẫn có những ngôi trường khác đón chào các em: trường tư thục, trường nghề, hệ thống trường GDTX. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tuyển sinh khoảng 10.000 học viên, chiếm 7,7% số thí sinh thi vào lớp 10.

Dù ở trường tư, trường nghề hay các trung tâm GDTX, mỗi nơi đều bồi dưỡng kiến thức văn hóa và những kỹ năng khác cho các em học sinh. Bất cứ môi trường nào cũng có thể giúp đỡ các em thành công trong cuộc sống. Cô Nguyễn Diệu Linh (giáo viên Trường liên cấp Tuệ Đức, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đã từng dạy học ở cả trường công, trường tư. Tôi thấy rằng, việc thành công hay thất bại, giỏi hay yếu kém đều là do ý chí phấn đấu của học sinh. Chính vì vậy, bất cứ môi trường nào, chỉ cần các em không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục nỗ lực, thì thành công sẽ sớm đến”.

Ổn định tâm lý cho học sinh

Thi trượt vào trường công lập, với không ít học sinh vẫn bị coi là một thất bại nặng nề. Nhiều em rơi vào trạng thái lo lắng, xấu hổ, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực. Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam gần đây, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Chính vì vậy, điều đầu tiên khi biết con trượt cấp ba là phụ huynh cần bình tĩnh để giúp các em vượt qua.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Trần Thị Hương Ly (Trường THCS Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Việc thi trượt đến từ rất nhiều nguyên do, có thể do học lực của các em, hoặc việc đặt nguyện vọng chưa thực sự hợp lý và cả thiếu may mắn trong khi làm bài thi. Vì vậy, phụ huynh không nên trách mắng con cái. Điều quan trọng hiện tại là giúp các em lấy lại nghị lực, để tiếp tục chặng đường học trong những năm tiếp theo. Trượt lớp 10 các trường công lập rất đáng buồn, nhưng các phụ huynh không nên để cảm xúc tiêu cực từ bản thân đánh mất cả người con của mình”.

Cô Hương Ly chia sẻ thêm, với sự ảnh hưởng của mạng xã hội, chỉ chú trọng tuyên dương, khen ngợi những học sinh, trường chuyên, lớp chọn, khiến các em và phụ huynh nảy ra tâm lý so sánh, định kiến ngay từ trong suy nghĩ của mình. Cô Ly nói: “Trường công lập, trường nghề, trường tư hay trường GDTX đều rất tốt, không có một môi trường giáo dục nào là xấu. Chính vì vậy, phụ huynh, học sinh không nên để các hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội “dẫn dắt”, bởi những môi trường đó chưa chắc đã phù hợp nhất với các em”.

Theo ThS tâm lý học lâm sàng Khuất Thị Hoa (giảng viên Trường Đại học FPT): “Việc thi chuyển cấp là một bước ngoặt trong cuộc đời mỗi học sinh, áp lực tâm lý đã được hình thành ngay từ khi các em bắt đầu học lớp 9. Tùy vào năng lực, tính cách mà có em sẽ gặp căng thẳng nhiều hoặc ít. Việc thi trượt là một “cú sốc” lớn đối với học sinh, thậm chí có thể dẫn đến sang chấn tâm lý”. ThS Hoa cũng chia sẻ thêm về vấn đề sang chấn tâm lý phụ thuộc vào ba yếu tố, thứ nhất là năng lực học tập ở mức khá giỏi trở lên, hoặc cha mẹ, họ hàng đánh giá cao, kỳ vọng nhiều vào các em. Thứ hai, đây là những học sinh có mong muốn khẳng định bản thân, có lòng tự trọng cao. Cuối cùng, sau khi trượt, các em phải chịu ảnh hưởng tiêu cực đến từ gia đình, nhà trường và chính bản thân.

ThS Khuất Thị Hoa cho biết, cách để các em có thể ổn định tâm lý sau khi trượt các lớp 10 công lập, đó là phụ huynh cần chia sẻ, động viên giúp tinh thần các em hướng đến những điều tích cực. Đồng thời, có thể cởi mở trò chuyện, phân tích các hướng đi tiếp theo trong tương lai.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thực trạng thiếu trường lớp là vấn đề khó khăn mà ngành và địa phương đang đối mặt. Thành phố đã chỉ đạo sẽ tìm kiếm nguồn xây dựng thêm trường học để tăng tỉ lệ học sinh vào trường công, song song với nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và yêu cầu các khu đô thị mới phải xây dựng trường trước khi bán dự án.

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tại TP Hà Nội không thiếu chỗ học. Sở luôn nỗ lực cố gắng về xây dựng mạng lưới trường học; đã và đang cùng các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND thành phố thu hồi các dự án chậm triển khai để xây trường học, nhất là trong khu vực nội đô.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm, năm 2016, thành phố chấp thuận phương án sáp nhập 30 trung tâm GDTX, 16 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và trung tâm dạy nghề thành 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên. Hiện nay theo phân cấp, các đơn vị này được giao về cho các quận, huyện quản lý; các trung tâm hiện nay chịu trách nhiệm đào tạo, phân luồng học sinh.

“Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.845 trường học tại 30 quận/huyện và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, mỗi năm cần tăng từ 30 - 35 trường học mới đủ chỗ cho học sinh. Đến nay, thành phố đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng thêm các trường học bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh trên địa bàn” - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết.

Đọc thêm