Ngay sau khi chính thức mở phiên bản tại Việt Nam từ ngày 6/8/2016, có tới hàng trăm nghìn lượt người dùng tải phiên bản trên hai ứng dụng Play Store và App Store để tham gia vào “thế giới ảo”. “Cơn sốt” của trò chơi “ảo” đã “xâm lấn” sang hàng loạt dịch vụ “thật” và số tiền thu được từ các dịch vụ này không hề “ảo”.
Từ quán trà đá bình dân đến nhà hàng sang chảnh…
Dịch vụ “ăn theo” đầu tiên phải kể đến đó là các quán trà đá, nhân trần vỉa hè ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Nhiều quán trà đá “di động” đã nhanh chóng xuất hiện để phục vụ người chơi trong suốt quá trình họ đi “bắt” các chú Pokemon.
Chị Phương (chủ quán trà đá vỉa hè gần Trung tâm thương mại Vincom Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho hay, trung bình những ngày thường chị bán được từ 100 — 200 cốc trà đá, nhân trần, mỗi cốc 3.000 đồng mỗi ngày thu được từ 300- 600 nghìn đồng, nhưng từ khi có trò chơi Pokemon Go thì bán được nhiều hơn do khách vãng lai qua lại khá nhiều, đặc biệt là vào buổi tối. Các khách chơi Pokemon Go chỉ gọi vội cốc nước rồi lại đứng dậy đi tiếp nên lượng khách ngồi lại lâu rất ít. Số lượng khách vãng lai thu nhập của chị Phương cũng thêm từ 200— 300 nghìn đồng so với trước đây.
Theo Hãng nghiên cứu bất động sản Jones Lang Lasalle (JLL), “cơn sốt” của trò chơi Pokemon Go sẽ tạo ra một “làn sóng” có lợi và nhiều cơ hội cho các trung tâm thương mại, các cửa hàng ăn nhanh, quán cà phê, các shop, các siêu thị thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở, trung tâm thương mại bán hàng trực tiếp cạnh tranh với các cơ sở, DN kinh doanh trực tuyến.
Giải thích cho điều này, Hãng JLL nói rằng để chơi được trò chơi Pokemon Go các “game thủ” phải có PokemonStops (tên gọi khác là Gyms) với chức năng như một bản đồ để người chơi có thể chiến đấu với những người chơi khác và “bắt” Pokemon. Ở Việt Nam lại rất ít PokemonStops do Pokemon Go mới du nhập được ít ngày nên thường các trung tâm thương mại, các khu tụ tập đông người, các cửa hàng… sẽ là nơi lý tưởng để người chơi đến. Do vậy, những ngày này các quán xá, các cửa hàng có doanh thu đáng kể.
Nhiều dịch vụ “đắt như tôm tươi”
Để chơi được trò chơi Pokemon Go, điện thoại di động phải có kết nối 3G hoặc Wifi và dùng hệ điều hành iOS hoặc Android nên nhiều người vì “kết” trò chơi này đã buộc phải đổi điện thoại hoặc mua thêm điện thoại mới.
Các cửa hàng bán lẻ điện thoại hay các cơ sở, DN có tiếng trong lĩnh vực điện thoại di dộng như Thế giới di động, Trần Anh, FPT… nhanh chóng thực hiện cuộc đua giảm giá, khuyến mại,… các loại điện thoại di dộng cảm ứng. Pin điện thoại cũng “sốt” không kém, người chơi chọn mua thêm những loại pin “khủng”, tuổi thọ lâu để kèo dài thời gian chơi trên điện thoại.
Nhiều DN “nắm bắt” nhanh lại sử dụng tên trò chơi, hình ảnh các chú Pokemon của trò chơi để quảng bá thương hiệu của DN mình. Đặc biệt, các DN may mặc đồng phục được dịp “bội thu”. Một nhân viên kinh doanh của Công ty may đồng phục đôi, cá nhân cho biết số lượng đặt may khá nhiều nên không kịp sản xuất...
Còn các “game thủ” của các trò chơi online trước đây bây giờ “đổ xô” ra “săn” Pokemon để thu thập vật phẩm, tăng level và bán lại những vật phẩm, level cũng như tài khoản của mình cho những người khác “máu mê” với trò chơi này. Số tiền bán vật phẩm hay bán các nick, tài khoản cho mỗi lần từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Ở thị trường mạng viễn thông thì sôi động không kém kể từ khi Pokemon Go ra đời, các nhà mạng liên tục đưa ra các “chiêu bài” nhằm đánh vào tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng. Mới đây, nhà mạng Viettel quảng cáo với người dùng một gói cước 3G mới mang tên “Pokemon Go” chỉ với 10 nghìn đồng cho 30 ngày sử dụng để chơi trò Pokemon Go. Tuy nhiên, đại diện của Viettel cũng khuyến cáo rằng người đăng ký dùng dịch vụ chỉ sử dụng cho trò chơi Pokemon Go, đối với các các hoạt động truy cập mạng 3G vào các kênh thông tin hoặc trang web khác sẽ được tính phí dịch vụ riêng.
Cùng được hưởng lợi từ trào lưu Pokemon, taxi, xe ôm “chạy ngày, chạy đêm”. Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… thì liên tục các caption mời gọi được đưa ra như: “Dịch vụ xe ôm đi bắt Pokemon”; “Đi xe vừa được ôm, vừa được bắt Pokemon, hãy nhanh tay gọi đến số XXX để đăng ký”; “Đi xe ôm để bắt Pokemon, giá rẻ bất ngờ”… Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn tạo hẳn một tài khoản, nhóm cộng đồng để “giúp đỡ” nhau đi bắt Pokemon.
Pokemon Go đã “xâm nhập” vào thị trường Việt Nam và với những tác động về sự thay đổi của nhiều dịch vụ từ bình dân đến thượng lưu trong thời gian qua khẳng định sức hút “ma lực” của trò chơi này. Hại thì có hại, nhưng trước hết, hàng loạt dịch vụ đã được hưởng lợi “không ngừng” từ trò chơi này. Nếu như Pokemon Go được chính thức cấp phép ở Việt Nam, quả thực không tưởng tượng được mức độ ảnh hưởng tiếp theo của trò chơi này đến các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là hoạt động thương mại, tiêu dùng.