Là một trong những người trẻ đang truyền cảm hứng hướng nghiệp cho nhiều nhóm học sinh và sinh viên, anh có ý tưởng mới gì để giúp đỡ cho lứa học sinh lớp 12 năm nay không?
- Mùa tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2024 này là rất đặc biệt và căng thẳng. Học sinh lớp 12 năm nay là lứa cuối cùng học đầy đủ tất cả các môn học của bậc THPT, chứ không phải được tùy chọn tổ hợp môn học định hướng nghề nghiệp theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT. Lứa học sinh này sẽ rất khó để cạnh tranh theo các tiêu chí xét tuyển với thế hệ kế tiếp nếu đăng ký vào kỳ tuyển sinh năm sau.
Mỗi kỳ tuyển sinh đều có các mốc thời gian quy định phải đưa ra các quyết định rất quan trọng từ cả 4 bên, gồm có học sinh (thí sinh), phụ huynh (giám hộ), trường THPT (nguồn đầu vào), cơ sở đào tạo bậc kế tiếp (đại học, cao đẳng, trung cấp). Đều hướng đến mục tiêu cốt lõi là cho học sinh có một nghề nghiệp cụ thể sau một đến vài năm đào tạo, huấn luyện kế tiếp. Tuy nhiên, cần phải nói rõ để mọi người cùng lưu tâm, hướng nghiệp là việc mang tính lâu dài và việc lựa chọn cũng có thể sẽ có nhiều thay đổi do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
Khi tham gia thi cử hoặc ứng tuyển thì chắc chắn bạn sẽ phải cạnh tranh. Nhưng hiện nay đang có rất nhiều cơ hội khác nhau để các bạn trẻ lựa chọn sau lớp 12, chỉ cần bắt đầu từ hiểu đúng về chính bản thân (tố chất, năng lực, nguyện vọng) để ra quyết định phù hợp nhất cho tương lai gần. Thế hệ Gen Z này hiện đang ngập trong vô vàn thông tin trực tuyến để tham khảo, phân tích và rồi sẽ phải tự đưa ra lựa chọn cuối.
Hiện nay việc trở thành sinh viên không khó như trước kia. Nhưng tỷ lệ sinh viên ở Việt Nam có chất lượng cao, được làm đúng ngành nghề được đào tạo hoặc công việc yêu thích là khá thấp. Theo anh, nguyên nhân là do đâu?
- Chắc chắn là do sự định hướng, kế hoạch nghề nghiệp sai lầm hoặc không phù hợp từ thời điểm cuối năm lớp 12 trước đó. Bên cạnh đó, cũng còn là do các bạn trẻ thiếu khả năng tự thích ứng và chuyển đổi nhanh với các thay đổi bất thường. Nếu không sớm có các điều chỉnh thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn mà ví dụ là sinh viên tốt nghiệp đại học hạng ưu đi làm xe ôm hoặc giao nhận hàng thuê (shipper) với tương lai đang gần như vô định. Việc học tập ở cơ sở đào tạo các bậc sau phổ thông chủ yếu chỉ cung cấp cách thức tư duy, khối kiến thức chuyên môn cơ bản theo ngành nghề và được ghi nhận trong bảng điểm cá nhân.
Nhưng để có thể được tuyển dụng và hoặc thực sự làm được đúng với nghề (đã được đào tạo) thì các bạn trẻ cần phải tự trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng bổ trợ khác. Đừng thần tượng hóa bản thân và bảng điểm hoặc danh tiếng của cơ sở đào tạo mà mình đã tốt nghiệp. Vì số đông các lao động mới tốt nghiệp ở Việt Nam gần đây đều sẽ phải qua đào tạo lại của chính từng đơn vị tuyển dụng mới có thể làm việc hiệu quả được.
Vì thế hiện nay, các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao các ứng tuyển bởi thái độ và các kỹ năng mềm hơn là chỉ căn cứ vào bằng cấp. Rất nhiều bạn trẻ vẫn đang vô cùng ảo tưởng về bằng cấp và sự đánh giá rất chủ quan về bản thân mình, dẫn tới xung đột về suy nghĩ với các nhà tuyển dụng dù cho họ đang rất khát tìm người lao động.
|
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Hà Tiến Đạt. |
Chọn ngành học và chọn trường để đăng ký xét tuyển luôn là vấn đề tranh luận nóng bỏng và cần quyết định ngay trong các gia đình có học sinh lớp 11 và nhất là cuối lớp 12. Có vẻ, cả phụ huynh và học sinh đều đang cần một "vị trọng tài" khách quan ở giữa?
- Có một số phương pháp mang tính định tính (theo chủ quan cá nhân) khá phổ biến ở Việt Nam hay được các bậc phụ huynh áp dụng để định hướng tương lai từ sớm cho con cái như sinh trắc vân tay, luận giải lá số tử vi và xem bói hoặc xem tướng... Nhưng với xu thế biến đổi không ngừng của xã hội và sự phát triển đột phá của công nghệ hiện nay, để soi chiếu khách quan và thấu hiểu đúng một bạn trẻ tuổi teen (lứa tuổi cũng có quá nhiều biến đổi liên tục cả về thể chất, tâm sinh lý và hoài bão, nguyện vọng) là việc cực kỳ khó khăn. Sự tác động của xã hội, cộng đồng xung quanh vốn rất khó lường và khó kiểm soát cũng ảnh hưởng lớn đến lứa tuổi rất nhạy cảm này.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, "vị trọng tài" như tất cả đang mong muốn cần phải thật khách quan (tốt nhất là hoạt động theo sự lập trình logic và các thuật toán tự động) và các kết quả đưa ra phải đo lường được (định tính) để bất kỳ ai cũng dễ dàng so sánh rồi tự đưa ra quyết định lựa chọn cho tương lai của chính mình.
Cũng thật may mắn cho chúng ta là với công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học hiện đại (deep learning). Hai năm qua, tôi và các cộng sự ở công ty YouthPlus nghiên cứu phát triển một ứng dụng trực tuyến để giúp mọi người "hiểu đúng về chính bản thân mình" một cách khách quan nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Hiện nay chúng tôi sau nhiều thử nghiệm và kiểm tra ở nhiều cấp độ, đã gần như hoàn tất dự án thực tế hóa chi tiết lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp kinh điển của tiến sĩ tâm lý học người Mỹ John Lewis Holland (1919 - 2008) để bắt đầu phục vụ ngay từ kỳ tuyển sinh ngay trong năm 2024 này.
Khi các cơ sở đào tạo sau bậc phổ thông (công lập, ngoài công lập) đều phải tự chủ về tài chính khiến cho việc đi học tiếp sau bậc phổ thông giống là "mua một nghề" nhưng phải vài năm sau mới dùng được hoặc biết hiệu quả như thế nào. Là người đứng giữa "bên bán" và "bênmua", anh có thể khuyên gì cho cả hai?
- Hiện nay 376 ngành nghề đào tạo ở bậc đại học do Bộ GD&ĐT quy định và quản lý (căn cứ Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022). Còn 934 ngành nghề đào tạo ở bậc cao đẳng và trung cấp lại thuộc về trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH (căn cứ Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020). Cả 1.310 ngành và cấp bậc đào tạo này đều đang có mã số tuyển sinh riêng theo quy định của Nhà nước, chưa tính hàng trăm chuyên ngành nhánh hoặc định hướng tuyển sinh đào tạo đã đăng ký thêm của riêng từ đơn vị đào tạo. Trong khi đó, các thời điểm cần phải ra các quyết định đăng ký dự tuyển, thứ tự ưu tiên đăng ký nguyện vọng xét tuyển đều đã không thể thay đổi nên thiếu định hướng sẽ lạc vào “mê hồn trận” để tìm ra được sự lựa chọn phù hợp nhất.
Đối với “bên mua”, một học sinh lớp 12 cùng cả gia đình cũng không thể lĩnh hội hoặc tìm hiểu cặn kẽ được khối lượng thông tin đồ sộ này nếu không có định hướng sàng lọc và giới hạn trước tập trung vào sự thấu hiểu bản thân và điều kiện của từng thí sinh. Đối với “bên bán”, bên cạnh các thông tin giới thiệu về ngành học cùng chương trình đào tạo, học phí cũng như mức lương khả thi khi vừa tốt nghiệp thì cần có thêm thông tin về các tố chất cá nhân cần có để phù hợp với từng ngành nghề khi đi làm.
Đừng nên chỉ “tô hồng” cho sản phẩm đào tạo của mình khiến cho các bạn trẻ và gia đình dễ rơi vào ảo tưởng phi thực tế đối với bản thân. Đừng biến những “Ngày hội hướng nghiệp” đang nở rộ gần đây ở các trường THPT thành hội chợ chào bán sản phẩm đào tạo, khiến cho các gia đình càng bị hoang mang.
Và còn một tổ chức khác rất gần gũi với học sinh THPT chính là Đoàn TNCS HCM các cấp cũng có thể đóng vai trò kết nối với các cá nhân thành công hoặc tiêu biểu trong từng lĩnh vực ngành nghề để truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho các bạn tuổi teen vốn rất lắng nghe các thần tượng (idol). Ngoài ra, các bạn trẻ cũng nên tranh thủ sử dụng các tư vấn, công cụ hỗ trợ về phương pháp chọn nghề của các chuyên gia và tổ chức tư vấn hướng nghiệp vì đây là “bên thứ 3” khách quan và đầy đủ chuyên môn nhất.
Theo tôi, để có thành công cho tương lai của thế hệ trẻ - cũng chính là tương lai lâu dài của đất nước, rất cần sự phối hợp hiệu quả của tất cả các bên.
Hà Tiến Đạt hiện đang Chủ tịch Liên đoàn Lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới (Chi hội Thăng Long); Giám đốc dự án Hướng nghiệp Shape Your Future 2020; đồng sáng lập Hệ sinh thái hướng nghiệp, kết nối việc làm lớn nhất Việt Nam cho giới trẻ (Youth Plus)