Hướng tới cải cách hành chính tốt nhất cho doanh nghiệp

(PLO) - Phát biểu tại cuộc họp báo chuyên đề về giải pháp triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trong ngành tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Hữu Lợi khẳng định 2 Nghị quyết này đều hướng tới mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tất cả các nội dung của Nghị quyết này đều hướng tới cải cách hành chính (CCHC) tốt nhất cho DN.
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Triển khai các Nghị Quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1134/QĐ-BTC ngày 23/05/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP (NQ 19) và Quyết định 1239/QĐ-BTC ngày 31/05/2016 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ35) 

Cụ thể và rõ ràng

Quyết định 1134/QĐ-BTC bám sát mục tiêu, yêu cầu của NQ19, Kế hoạch hành động đã đề ra những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Nghị quyết trong hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020 bảo đảm đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trong lĩnh vực thuế, hải quan, cụ thể:

Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về CCHC thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế

Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% xuống còn 15% đến hết năm 2016. Bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ TTHC.

Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hoá thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho DN và người dân. Bảo đảm chỉ số mức độ sẵn có và đầy đủ dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu. Phối hợp hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Cũng theo Quyết định 1134/QĐ-BTC, kế hoạch được cụ thể hóa các nhiệm vụ thành 73 giải pháp và 118 sản phẩm đầu ra. Các nhiệm vụ và giải pháp được phân công rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, quy định cụ thể tiến độ hoàn thành.

Đối với Quyết định 1239/QĐ-BTC, chương trình hành động yêu cầu phải cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại NQ 35; Hướng tới cải cách mạnh mẽ TTHC, tạo thuận lợi cho DN; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện; Quy định rõ chế độ báo cáo, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh. 

Trên cơ sở các nhiệm vụ của Bộ Tài chính được giao tại NQ 35, Chương trình hành động đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ bằng 34 giải pháp và 46 sản phẩm đầu ra. 

Cải cách hành chính là một quá trình

Trả lời câu hỏi của báo chí khi cho rằng, tinh thần của NQ 19 và NQ 35 đều có tính đến tháo gỡ khó khăn của DN, tuy nhiên Nghị quyết khi triển khai chưa mang lại hiệu quả tích cực cho DN, ông Ngô Hữu Lợi cho biết: NQ 19 và NQ 35 đều hướng tới mục đích cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ DN, tất cả các nội dung của Nghị quyết này đều hướng tới CCHC tốt nhất cho DN.

Tuy nhiên, CCHC là cả quá trình, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết đã có rất nhiều giải pháp được triển khai. Thực chất nhiều nội dung đã được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. TTHC của ngành Tài chính cũng liên quan đến TTHC của các bộ, ngành khác, cho nên phải có sự chủ động, sửa đổi thể chế và cần có thời gian để các TTHC chuyển đổi theo, kể cả việc đào tạo lại cán bộ công chức cho phù hợp.

Cũng theo ông Lợi, các giải pháp cụ thể của Bộ Tài chính để Nghị quyết đi vào cuộc sống sớm nhất là: tổ chức thực hiện để CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các đơn vị gắn với nâng cao kỷ cương trong thi hành công vụ, đào tạo lại cán bộ công chức; tăng cường hiện đại hóa, đưa công nghệ vào công tác CCHC.

Ngoài ra, cùng với việc tổ chức, đào tạo lại cán bộ công chức, Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra trong thi hành công vụ, đó là việc giám sát khâu thực thi cuối cùng… 

Đọc thêm