Sự thờ ơ của người cận nghèo đối với bảo hiểm y tế đang đặt ra câu hỏi cho các nhà hoạch định chính sách: Có nên hỗ trợ trực tiếp cho người cận nghèo khi họ điều trị tại bệnh viện thay vì hỗ trợ qua thẻ BHYT như hiện nay? Và khi nào thì chủ trương phát hành thẻ BHYT mệnh giá bằng 70% mức hỗ trợ của Nhà nước cho người cận nghèo được thực hiện? Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - đã trao đổi với PLVN online về vấn đề này:
- Thưa bà, có phải quy định về tuyến khám bảo hiểm đầu tiên là xã nên người cận nghèo không mặn mà với BHYT?
Đây chỉ là một nguyên nhân, nhưng người bệnh lên tuyến trên vì nhiều lý do, như điều kiện giao thông thuận lợi hơn, nhu cầu được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn... Quy định về phân tuyến của ngành Y tế vừa nhằm phân loại, sàng lọc các loại bệnh, vừa tránh quá tải bệnh viện và gây tốn kém chi phí cho người bệnh.
- Chính phủ đã có quyết định tăng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo lên 70% nhưng họ vẫn không nhiệt tình tham gia. Nên chăng Chính phủ hỗ trợ cho người cận nghèo toàn bộ hoặc 90% mệnh giá thẻ để họ tiếp cận được với BHYT?
Nếu tổng kết Luật BHYT thì có đến 50% số người tham gia BHYT hiện nay là Chính phủ đang cho 100% (được ngân sách nhà nước đóng toàn bộ phí BHYT), nếu tính thêm cả việc hỗ trợ 70% phí BHYT cho người cận nghèo thì các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ rất là lớn. Như vậy, chính sách của chúng ta đã hết sức ưu việt. Khi ngân sách nhà nước nâng mức hỗ trợ cho người cận nghèo thêm 20% (từ 50% lên 70%) đã là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cân đối ngân sách, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng cận nghèo được tham gia BHYT. Tất nhiên, Bộ Y tế cũng đang xem xét và tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo cho người cận nghèo được tham gia BHYT.
- Được biết, hiện Bộ Y tế đang đề xuất mua thẻ BHYT cho người cận nghèo với định mức là 70% (bằng mức hỗ trợ của Nhà nước), còn lại 30% thì khi nào người cận nghèo đi khám chữa bệnh, họ phải tự chi trả. Vấn đề này đã được Chính phủ phê duyệt chưa, thưa bà?
Bộ Y tế đã dự thảo Tờ trình phối hợp cùng bảo hiểm xã hội (BHXH) đề xuất theo hướng là cấp thẻ BHYT cho người cận nghèo với mức bằng 70% mức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, sau đó người tham gia BHYT sẽ đóng nốt 30% còn lại. Khi họ bị bệnh và phải vào viện điều trị mà họ đã đóng đủ 30% phần còn lại thì sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định. Trường hợp họ không đóng nốt 30% mức phí còn lại thì họ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Hiện Bộ Y tế đã gửi Tờ trình này xin ý kiến của Bộ Tài chính, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến trả lời, bởi vậy chúng tôi đang đợi sau khi có ý kiến từ Bộ Tài chính sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo phương án Bộ Y tế đề xuất là mua trước 70% thì ít nhất trong năm 2013, chúng ta sẽ có khoảng 5-6 triệu người cận nghèo được tham gia BHYT (hiện nay mới chỉ có 1,7 triệu người).
- Có thực tế là người dân khi có bệnh và được bác sỹ chẩn đoán phải điều trị lâu dài thì mới mua thẻ BHYT. Vậy trong trường hợp này, họ có được chấp nhận mua thẻ và trong thời gian bao lâu thì sẽ được Quỹ BHYT thanh toán?
Đối với người cận nghèo, hiện nay đang là đối tượng tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc, vì thế khi họ đã tham gia BHYT thì thời gian để thẻ có giá trị thanh toán là thời gian được ghi trên thẻ BHYT (thời gian thẻ có giá trị sử dụng được tính từ ngày họ đóng đủ mức phí theo quy định).
Trường hợp người bệnh tham gia theo hình thức tự nguyện thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng đủ mức phí. Trường hợp có sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao và chi phí lớn thì thẻ phải có thời hạn trên 180 ngày.
Trong khi ngân sách nhà nước dành một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia BHYT, nhưng chính sách này không có hiệu quả. Nên chăng Nhà nước dành khoản tiền trên để hỗ trợ trực tiếp cho người cận nghèo khi họ điều trị, ý kiến của bà về vấn đề này?
Đây là ý kiến hay nhưng không phù hợp với chủ trương hiện nay. Bởi vì chúng ta đang thực hiện từng bước đổi mới cơ chế tài chính thông qua hình thức BHYT. Tức là chúng ta giảm dần ngân sách cấp trực tiếp mà chuyển ngân sách đó cho người được thụ hưởng chính sách thông qua BHYT. Vì thông qua hệ thống BHYT mới có một cơ chế để chúng ta kiểm tra, kiểm soát việc làm này.
Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Ban Bí thư Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BHXH và BHYT, trong đó quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện BHYT. Bộ cũng đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT và một trong những cơ sở quan trọng là Nghị định 92/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Hy vọng trong thời gian tới, khi chúng ta có đầy đủ văn bản cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHYT thì mọi người sẽ nhận thấy ý nghĩa, vai trò của BHYT, đặc biệt là khi chúng ta tăng mức giá viện phí thì người dân sẽ hiểu được quyền lợi của mình để tham gia cao hơn.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Vân Anh (thực hiện)