Xu hướng “thương mại hóa” báo chí và cạnh tranh từ mạng xã hội
Trong quá trình lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn xem trọng hoạt động báo chí, đặt lên vai báo chí những trọng trách nặng nề nhưng vinh quang và đầy trách nhiệm. Đó là giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch. Không phụ sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trong gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng chính là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, được “mài giũa” qua thực tiễn cách mạng.
Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng luôn tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế. Trên phương diện khác, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí Việt Nam phát triển. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nền tảng cho báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội. Các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương có báo hoặc tạp chí; mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho mình. Báo chí cách mạng được tự do xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ công lý.
Thậm chí, trong bối cảnh đất nước đổi mới, nhiều tờ báo "giàu lên" cũng nhờ đổi mới, năng động, sáng tạo trong hoạt động báo chí, tuy nhiên cũng nhiều tờ báo, nhà báo đang đối mặt với quá nhiều thách thức, khó khăn, mà xu hướng “thương mại hóa báo chí” là sự phản ánh một phần khó khăn đó. Các cơ quan báo chí, nhà báo “buộc” phải sống để làm nghề. Cơ chế tự chủ tài chính khiến nhiều tờ báo phải hoạt động như doanh nghiệp, phải có nguồn thu để tồn tại nên đâu đó đã xảy ra các hiện tượng vi phạm pháp luật.
Một số cơ quan báo chí trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy những giá trị lợi ích cá nhân. Một số tạp chí có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Về nội dung, thường không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoặc phản ánh những nội dung, những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép. Đó chính là tình trạng "tư nhân hóa báo chí", "báo hóa" tạp chí đáng cảnh báo.
Đi cùng với sự thay đổi về kinh tế, vật chất là sự thay đổi các giá trị tinh thần, các chuẩn mực đạo đức; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng có điều kiện “lên ngôi”, đồng tiền đã trở thành yếu tố chi phối hoạt động nghề nghiệp của một số nhà báo. Chính vì thế, thời gian qua xuất hiện tình trạng một bộ phận nhà báo, phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị; hoạt động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Một số nhà báo khác lại biến cơ quan báo chí thành tổ chức kinh doanh đơn thuần trong lĩnh vực văn hoá, họ “sản xuất” ra những bài viết có nội dung kém chất lượng, thậm chí là độc hại, như: khai thác những chuyện giật gân, moi móc đời tư, đưa những hình ảnh thiếu thẩm mỹ, lành mạnh, đi sâu vào những chi tiết, đề tài bạo lực, tình dục... nhằm “câu khách”, kích thích tính hiếu kỳ của công chúng.
Mặt khác, chuyển đổi số có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng vô cùng gian truân, thách thức. Thực tế trước đây, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Nói cách khác, kinh tế báo chí suy thoái vì bị các nền tảng mạng xã hội chiếm lĩnh thị trường truyền thông. Chuyển đổi số cũng khiến báo in phải đối mặt với câu chuyện sụt giảm nhanh chóng số lượng phát hành. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Trong khi đó, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân viên, người lao động, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền, nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế, khiến hoạt động của cơ quan báo chí đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Mặc dù báo chí chính thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác và phản ánh sự thật, nhưng sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một “cuộc đua” gay gắt, đòi hỏi các tờ báo phải thích nghi và tìm cách giữ vững vị thế của mình trong một thế giới số hóa ngày càng phát triển. Nếu như trước đây, người đọc thường phải mua báo hoặc truy cập vào trang web điện tử của tờ báo đó để xem, đọc tin tức. Tuy nhiên, với sự phổ biến của mạng xã hội, thông tin có thể lan truyền rộng rãi thông qua việc chia sẻ và tương tác trên các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và Tiktok. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các tờ báo trong việc thu hút và giữ chân độc giả trên nền tảng của mình. Bên cạnh đó, truyền thông xã hội đang tạo điều kiện cho hàng chục triệu người, nếu như không muốn nói là tất cả mọi người đều làm báo. Nói cách khác, mạng xã hội cũng mở ra cơ hội mới cho các cá nhân và tổ chức không chuyên về báo chí để trở thành nguồn thông tin chính thống. Các blogger, KOL, influencer (người có ảnh hưởng) và các trang web tin tức “độc lập” có thể thu hút một lượng lớn người đọc và ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng mà không cần phải tuân theo các nguyên tắc nghiêm ngặt như các tờ báo truyền thống. Điều này làm gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường truyền thông và đặt ra thách thức về việc duy trì sự tin cậy và uy tín của các tờ báo chính thống.
Thách thức của truyền thông xã hội đối với báo chí là vô cùng lớn, nhưng thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ còn lớn gấp hàng vạn lần. Công nghệ AI có thể được sử dụng để tạo ra và tối ưu hóa nội dung báo chí, từ việc viết bài báo tự động đến tối ưu hóa các tiêu đề và hình ảnh để tăng cường sự thu hút và tương tác từ độc giả. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính chính xác, độ tin cậy, vấn đề quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của thông tin được tạo ra bằng cách này. Chính vì thế, vấn đề chuyển đổi số báo chí là vô cùng cấp thiết nhưng khả năng đáp ứng của đội ngũ những người làm báo chưa cao, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thiếu đồng bộ, sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra.
“Băn khoăn” về cơ chế và hành lang pháp lý
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông báo chí còn rất hạn hẹp, vì thế, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nên chưa có đột phá về nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông báo chí. Cùng với khó khăn về kinh phí, các cơ quan báo chí còn phải đối mặt với sự cứng nhắc trong các quy định về đấu thầu, về quy định tài chính và công tác nghiệm thu. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội khác, việc hoàn thiện cơ chế về tài chính, thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí là rất cần thiết, phù hợp thực tiễn để các cơ quan báo chí vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện công tác thông tin đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Báo chí năm 2016 bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không còn phù hợp với thực tiễn, và cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại. Thực tiễn cho thấy yêu cầu trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và đòi hỏi của xã hội về lĩnh vực báo chí ngày càng cao, bức thiết hơn. Xuất hiện các trường hợp là lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên không muốn hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về báo chí, lợi dụng kẽ hở pháp lý, tìm cách “lách” các quy định để hoạt động báo chí với mục đích xấu, không trong sáng. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã làm cho hành lang pháp lý về báo chí và pháp luật có liên quan chưa theo kịp với thực tế.
Nhiều loại hình truyền thông mới ra đời, dẫn đến nhiều hành vi mới phát sinh. Ví dụ như đối với nội dung quy định về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản báo chí. Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí quy định về việc cấp các loại giấy phép trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không còn bảo đảm các điều kiện hoạt động. Hay về các quy định về nội dung thông tin báo chí, hiện các quy định về nội dung chưa có quy định nội dung thúc đẩy chuyển đổi số.
Về quy hoạch báo chí, tính đến nay, việc sắp xếp hệ thống các cơ quan báo, tạp chí đã cơ bản hoàn thành. Một thách thức mới đặt ra cho quy hoạch báo chí là làm thế nào để hỗ trợ, chấn chỉnh cho báo chí phát triển đúng định hướng, trong đó, cần xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng và “phân vai” thực hiện nhiệm vụ để tránh tình trạng chồng lấn, phát huy thế mạnh thương hiệu vốn có trong lòng công chúng.
(Đón đọc bài 5: Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí trong bối cảnh mới)