Bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị
Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những định hướng lớn trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, trong đó xác định: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Trên tinh thần này, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 27-NQ/TW) đã nêu rõ các mục tiêu và đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó yêu cầu “tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
Trong bài viết về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân… Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Để thực hiện được những mục tiêu này, vấn đề có tính nguyên tắc, chỉ đạo mọi hành động trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN là phải thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước Pháp quyền XHCN phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện, dân chủ, công bằng, nhân đạo, đồng bộ, ổn định và khả thi, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phải khắc phục cho bằng được các “căn bệnh” nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo… Thay vào đó, đứng trước mọi khó khăn, thử thách, phải biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách kịp thời, hiệu quả.
Hoàn thiện thể chế - nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ kế thừa những thành tựu lý luận quan trọng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết. (Ảnh: TTXVN) |
Phát huy truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, ngay sau khi được Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII bầu giữ chức Tổng Bí thư, đồng chí Tô Lâm đã có bài phát biểu, khẳng định sẽ tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, sẽ kế thừa những thành tựu lý luận quan trọng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, đề ra đường lối đúng đắn, đưa đất nước tiếp tục phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay, QH đã xem xét và thông qua rất nhiều dự án luật bao quát hầu khắp các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đáng chú ý, Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV vừa qua có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cụ thể, QH đã biểu quyết thông qua 11 luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… Những quy định trong các Luật này đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Mới đây, trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh vấn đề kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; có nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.
Câu chuyện về mở rộng không gian phát triển; tạo thuận lợi cao nhất cho mọi hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật cũng được người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Theo đó, phải tập trung công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số.
Có thể nói, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, từng vấn đề ưu tiên để tập trung giải quyết luôn có sự thay đổi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vấn đề hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là động lực và nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trên tinh thần “đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XIII đã xác định (bên cạnh đột phá về nguồn nhân lực và hạ tầng).
Thực hiện nhiệm vụ này, Quốc hội (QH), Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều Kế hoạch với quyết tâm: xây dựng pháp luật phải dựa trên yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội, lấy tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật là thước đo, là cơ sở cho quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong tham mưu giúp Chính phủ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của QH, Uỷ ban Thường vụ QH; công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật; tích cực tham mưu giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thực tế đã chứng minh, không có quy định luật pháp nào có thể phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống đa chiều. Có những quy định vừa ban hành, nhưng ngay sau đó không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm trong ngày một ngày hai. Vì vậy, trong quá trình tổ chức xây dựng và thực thi pháp luật, phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết. Đây cũng là một trong những quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết 27- NQ/TW hướng tới.
Là Cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, từ năm 2021, Báo Pháp luật Việt Nam đã ra mắt chuyên mục “Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ và Nhân dân trao đổi, hiến kế, góp phần cung cấp các thông tin, cứ liệu hữu ích cho các cơ quan chức năng trong quá trình soạn thảo, ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Thực hiện Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ hôm nay (7/8), Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục mở chuyên mục “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để đăng tải các ý kiến tâm huyết về công cuộc đưa Nghị quyết 27-NQ/TW vào cuộc sống. Trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả!