Hướng tới xây dựng Phân viện Học viện Tư pháp tại TP.Hồ Chí Minh

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa có chuyến thăm và làm việc với Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp - Cơ sở tại TP.HCM. Tại đây, Bộ trưởng đã nghe ông Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Cơ sở trình bày về hoạt động của Cơ sở. 
Buổi làm việc của Bộ trưởng với Cơ sở Học việc Tư pháp tại TP.HCM
Buổi làm việc của Bộ trưởng với Cơ sở Học việc Tư pháp tại TP.HCM
Theo báo cáo của ông Nguyễn Trường Thiệp, những năm gần đây, Cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Tư pháp và Học viện Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ sở tại TP.HCM của Học viện, xác định Cơ sở tại TP.HCM là đơn vị trực thuộc  Học viện Tư pháp, có con dấu và tài khoản tiền gửi riêng; hạch toán phụ thuộc Học viện Tư pháp. 
Cơ sở có chức năng tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp cho các tỉnh phía Nam trên cơ sở kế hoạch, nội dung, chương trình, tài liệu của Học viện Tư pháp và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Học viện. Đến nay, Cơ sở đã có con dấu và tài khoản riêng, đã được bổ nhiệm Phó Giám đốc kiêm Trưởng Cơ sở. 
Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện đã thực hiện phân cấp và ủy quyền cho Phó Giám đốc kiêm Trưởng Cơ sở theo hướng tăng quyền và chủ động hơn trong các hoạt động của Cơ sở. Cơ sở cũng đã tiến hành thi tuyển giảng viên, từng bước kiện toàn bộ máy và tổ chức cơ sở. Đến nay, đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động của Cơ sở là 31 người, trong đó có 12 giảng viên (11 thạc sỹ, 3 người đang là nghiên cứu sinh và một số đang theo học cao học). Ngoài ra, còn có hàng trăm giảng viên kiêm chức thuộc nhiều chức danh tư pháp đã và đang tham gia giảng dạy cho các khóa học tại Cơ sở. 
Hiện Cơ sở đảm nhiệm việc ra đề và tổ chức chấm thi các học phần thuộc lĩnh vực hình sự và dân sự đối với các khóa đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. Tính riêng năm 2013  và 2014, đã có trên 2.000 học viên ở TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Thuận đã được đào tạo. Báo cáo với Bộ trưởng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Thiệp cũng trình bày những khó khăn của Cơ sở về cơ sở vật chất, nhân sự để mong nhận được sự hỗ trợ, tháo gỡ từ phía lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. 
Động viên tập thể cán bộ, giảng viên Cơ sở Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí  Minh, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: Nguồn đào tạo và nhu cầu các chức danh tư pháp ở phía Nam là rất lớn. Bởi vậy, Bộ và Học viện quyết tâm xây dựng Cơ sở Học viện ở phía Nam không những bằng mà phải lớn hơn cả ở Hà Nội và trở thành Phân viện của Học viện Tư pháp tại TP.HCM. Bộ trưởng hy vọng một năm rưỡi nữa, Cơ sở sẽ có trụ sở mới tại Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. 
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, mặc dù đầu tư công hiện rất khó khăn nhưng Bộ vẫn tin rằng trong một thời gian ngắn nhất, dự án của Học viện ở quận 9 sẽ được triển khai thực hiện và hoàn thành một cách sớm nhất. “An cư lạc nghiệp”, có được nơi làm việc mới hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp, từ đó mới có thể đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng phục vụ cho ngành Tư pháp, góp phần tiến tới xây dựng Pháp lệnh về đào tạo một số chức danh tư pháp” – Bộ trưởng chia sẻ. 
Chú trọng khâu đào tạo nghề trong mô hình “3 chung”
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa chủ trì buổi làm việc với các đơn vị liên quan về Dự án Pháp lệnh về đào tạo một số chức danh tư pháp. Nhấn mạnh việc đổi mới mô hình đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, rất cần chú trọng đến khâu đào tạo nghề vì “đây đang là khâu yếu nhất, đừng nghĩ các chức danh này đang làm việc mà lơ là vấn đề này”. 
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến bổ sung, hoàn thiện các quy định khác để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống đào tạo tư pháp và giữa hệ thống này với hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp; về cấp văn bằng chứng chỉ như thế nào, đồng thời yêu cầu phải tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế qua việc nghiên cứu mô hình của Nhật Bản và một số nước theo hệ thống luật thành văn, luật án lệ để có thể vận dụng hợp lý.
T.Q

Đọc thêm