Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đối ngoại phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc

(PLVN) - Xây dựng xã hội chủ nghĩa được hiểu cụ thể trong giai đoạn cách mạng hiện tại và tới đây là bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của đất nước cũng như xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những điều này vừa là mục tiêu, vừa chi phối bản chất của đối ngoại.
Công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành công.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi về bản chất của chủ nghĩa xã hội, về vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa và làm thế nào, bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Bài viết này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng còn bao hàm câu trả lời cho câu hỏi Đảng và người Việt Nam chúng ta cần phải nhận thức như thế nào, chuẩn bị tâm thế như thế nào và hành động như thế nào về thời kỳ mới đang đến của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là tiến bước xa hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn cách mạng mới ở Việt Nam đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tất cả các ngành, các địa phương phải có được nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về sứ mệnh riêng, phải nhuần nhuyễn về lý luận để kịp thời xử lý thoả đáng những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

 

Ngành đối ngoại cũng vậy. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và cả bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn tới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản là “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi”. 

Đảng lãnh đạo và cầm quyền trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nên đối ngoại do Đảng lãnh đạo và thống nhất quản lý và sứ mệnh lịch sử của đối ngoại bây giờ là phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng xã hội chủ nghĩa được hiểu cụ thể trong giai đoạn cách mạng hiện tại và tới đây là bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của đất nước cũng như xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những điều này vừa là mục tiêu vừa chi phối bản chất của đối ngoại.

Đối ngoại phục vụ đất nước nói chung và con người nói riêng. Phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường và cuộc sống tốt đẹp cho người dân được đặt vào trung tâm của hoạt động đối ngoại. Phát triển đất nước thịnh vượng và hùng cường ở đây được cụ thể hoá thành từng mục tiêu cụ thể mà đối ngoại có sứ mệnh đảm trách vai trò đi đầu và quyết định nhất để đạt được. 

Vì cuộc sống tốt đẹp của người dân ở đây hàm ý đối ngoại phải có được kết quả và hiệu quả thiết thực cho cả đất nước, cho mọi vùng miền và địa phương, cho tất cả người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ở đây cũng còn thể hiện một bản chất đặc thù của đối ngoại Việt Nam là sự kết hợp hài hoà giữa đối ngoại của Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân, là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành và các địa phương, của người Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước. Đối ngoại nhờ đấy mà kiên định mục tiêu, định hướng và nguyên tắc, nhờ đấy mà có được tác động và hiệu ứng thiết thực cộng hưởng. 

Đảng lãnh đạo đất nước ta tiếp tục đi con đường lên xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá mạnh mẽ và đất nước hội nhập quốc tế. Việt Nam hiện tại cũng như khi ở đích của mục tiêu phát triển đề ra (là xã hội chủ nghĩa) vẫn  là một phần của thế giới hiện đại, gắn kết hữu cơ với thế giới hiện đại. Đấy chính là môi trường chính trị bao trùm đối ngoại của Việt Nam. 

Bởi thế, đối ngoại Việt Nam vừa là cầu nối giữa đất nước và thế giới vừa phải hoà vào dòng chảy chung của diễn biến chính trị và ngoại giao thế giới. Đối ngoại Việt Nam ở giai đoạn hiện tại phải thuận thời để tăng thế và mượn thế để thắng thế. Thuận thời ở đây là thuận theo xu thế chung của thời đại và chính trị thế giới. Tăng thế ở đây là tăng cường thực lực trên mọi phương diện. Mượn thế ở đây là mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác để tận lợi như có thể được từ thời cuộc và quan hệ hợp tác với các đối tác. Thắng thế ở đây là tận dụng mọi nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với thế và lực ở bên trong để góp phần quan trọng vào việc giải quyết mọi vấn đề đặt ra cho đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Trên con đường ấy, đối ngoại Việt Nam tiếp tục bước tiến theo ánh sáng của ngọn hải đăng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, được dẫn dắt bởi những lý tưởng cao đẹp và mục tiêu cao cả của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ánh sáng của ngọn hải đăng này không những chỉ soi sáng cho đối ngoại Việt Nam mà còn là một trong những sự đảm bảo cho đối ngoại Việt Nam thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới. 

Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua chỉ ra sự cần thiết phải phát triển nền đối ngoại Việt Nam toàn diện và hiện đại. Nền đối ngoại ấy còn phải xây dựng và hoàn thiện nền tảng lý luận và trường phái riêng để có đủ khả năng đảm trách vai trò đi tiên phong trong việc góp phần mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước trong thời gian tới.

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao

Đọc thêm