Hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tạo sự đồng thuận trên con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội

(PLVN) - Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã củng cố, thống nhất nhận thức cũng như tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, trong toàn dân trên con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cổ vũ sự phấn khởi để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã củng cố, thống nhất nhận thức cũng như tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, trong toàn dân trên con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cổ vũ sự phấn khởi để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Những thành tựu sau 35 năm đổi mới

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nếu tính từ năm 1954, khi miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và xây dựng CNXH.

Trong quá trình xây dựng đó có hai chặng, chặng thứ nhất là từ năm 1954 đến 1986, là giai đoạn xây dựng CNXH theo tư duy và nhận thức trước đây, với ảnh hưởng nhiều từ mô hình CNXH của Liên Xô. Còn từ năm 1986 đến nay, chúng ta đi vào công cuộc Đổi mới và trong quá trình Đổi mới đó có sự kiện sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết ở Đông Âu năm 1989-1991. Sau sự kiện này, các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Cuba… vẫn kiên trì con đường CNXH nhưng sự kiên trì đó phải với một tư duy mới và mỗi nước cũng đi tìm một mô hình cho phù hợp với nước mình.

Việt Nam cũng đi tìm một mô hình phù hợp với đất nước ta, trên cơ sở vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm ra một mô hình riêng, phát triển những quy luật riêng chứ không hoàn toàn giống các nước khác, được kiểm chứng bởi lịch sử của công cuộc Đổi mới.

Thực tiễn của công cuộc Đổi mới đã chứng minh nhận thức của chúng ta là đúng. Các đại hội của Đảng từ năm 1996 đến nay, chúng ta đều có nhận định là từ thực tiễn Đổi mới, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn. Đến Đại hội XIII vừa qua đã tổng kết 35 năm Đổi mới, khẳng định rất nhiều thành tựu, như thành tựu tăng trưởng phát triển kinh tế có thể nói chưa từng có so với trước, cùng với đó là thành tựu về giữ vững ổn định chính trị và đi lên theo đúng con đường XHCN đã lựa chọn…

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Bên cạnh những thành tựu đó có một thành tựu rất quan trọng mà Đảng cũng đã tổng kết tại Đại hội XIII, là thành tựu về đổi mới tư duy, phát triển nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, tức là Đại hội XIII tiếp tục làm rõ hơn nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn từ năm 1930 mà đến bây giờ thực tiễn của công cuộc Đổi mới càng làm sáng tỏ hơn, khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn đó.

Làm rõ những vấn đề lý luận từ tổng kết thực tiễn

Ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là làm sáng tỏ vấn đề lý luận nói trên. Ở đây có hai vấn đề phải tổng kết, một là phải tổng kết nhận thức XHCN là gì và hai là tổng kết con đường đi lên CNXH. Từ đó có thể rút ra kết luận, bài viết của Tổng Bí thư có ba vấn đề lớn.

Vấn đề lớn thứ nhất là tổng kết thực tiễn để làm rõ những vấn đề lý luận. Cụ thể, bài viết đã tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam để làm rõ những vấn đề về lý luận, để trả lời cho câu hỏi: Ở Việt Nam, CNXH được nhận thức như thế nào và con đường đi lên CNXH nhận thức thế nào cho đúng. Bài viết của Tổng Bí thư đã tổng kết lại quá trình để tìm ra lời giải có tính thuyết phục, có tính khoa học về vấn đề này, mà muốn thuyết phục, muốn khoa học thì Tổng Bí thư đã nói là phải dựa chắc vào CNXH khoa học của Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn Đổi mới của nước ta.

Vấn đề lớn thứ hai là trong nội dung bài viết, Tổng Bí thư đã đặt ra nhiều nội dung lớn phải suy nghĩ. Chẳng hạn, CNXH là gì ở Việt Nam. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã làm rõ được 8 đặc trưng của mô hình CNXH ở Việt Nam mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu. Trước đây, chúng ta có Cương lĩnh năm 1991, mới nêu ra 6 đặc trưng, nhưng đến Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung 2 đặc trưng nữa của mô hình CNXH ở Việt Nam. Bổ sung này có 2 đặc trưng rất quan trọng: CNXH ở Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Lần này, trong bài viết của Tổng Bí thư đã trả lời rõ nội dung của CNXH ở Việt Nam như thế nào và 8 đặc trưng đó đã được phân tích, làm rõ hơn trên thực tế.

Ví dụ, quyền làm chủ của nhân dân như thế nào, giải phóng con người ra sao? Hay khi phân tích về Nhà nước pháp quyền, bài viết của Tổng Bí thư khẳng định, trước đây Nhà nước pháp quyền tư sản là phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, nhưng Nhà nước pháp quyền của ta hiện nay là để phục vụ lợi ích của toàn dân, bênh vực lợi ích của toàn dân. Hệ thống pháp luật đó toàn diện, vì dân chứ không vì lợi ích của một nhóm người nào.

Tuy nhiên theo Tổng Bí thư, con đường đi lên CNXH còn rất dài; quá độ đi lên CNXH chúng ta mới xong thời kỳ đầu. Năm 1996, chúng ta hoàn thành chặng đầu tiên của quá độ đi lên CNXH, bắt đầu vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vừa qua, Đại hội XIII nêu ra những chặng tiếp theo, ví dụ như đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến giữa thế kỷ 21, chúng ta mới trở thành đất nước phồn vinh và phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của CNXH… Như vậy, chúng ta hình dung con đường này sẽ trải qua nhiều chặng đường, nhiều bước đi khác nhau. Đó là giá trị lý luận và tính thực tiễn, tính hiện thực của bài viết của Tổng Bí thư.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm đổi mới.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm đổi mới.

Như vậy, bài viết này định hình hướng phát triển của đất nước ta trong nhiều chục năm tới, chứ không phải chỉ những việc cụ thể trước mắt. Đồng thời, bài viết cũng hướng vào những vấn đề phải giải quyết trước mắt chứ không phải chỉ nói chuyện xa xôi mấy chục năm tới. Ở đây có mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu chiến lược lâu dài, mối quan hệ giữa kiên định con đường XHCN với không ngừng sáng tạo trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Một ý nữa tôi muốn nhấn mạnh là đóng góp lý luận của Đảng ta qua bài viết của Tổng Bí thư với cách mạng thế giới, vì trên thế giới hiện nay, ngay cả những nước đang xây dựng CNXH cũng có những nhận thức không hoàn toàn giống nhau. Ở Việt Nam, Tổng Bí thư tổng kết vấn đề này dựa trên nền tảng khoa học là chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để làm rõ vấn đề lý luận. Đây là một sự cống hiến về lý luận để bạn bè trên thế giới có thể đọc, suy nghĩ, tham khảo vì CNXH ở mỗi nước có sắc thái riêng chứ không nhất thiết theo một mô hình có sẵn”, ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Củng cố niềm tin trên cơ sở khoa học, hiện thực

Trả lời câu hỏi, bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa như thế nào trong việc củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân trong việc kiên định con đường đi lên CNXH tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ: “Tôi cho rằng bài viết đã củng cố, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng và toàn dân về CNXH. Đọc bài viết này, mọi người sẽ hiểu CNXH là gì, đi lên CNXH đạt được mục tiêu gì, ai là người xây dựng CNXH? Mọi người cũng hiểu rằng nhân dân là người xây dựng CNXH và thụ hưởng thành quả của CNXH. Ngay trong quá trình chống dịch Covid-19 cũng thể hiện tính ưu việt của CNXH, thể hiện việc hướng đến bảo vệ con người, vì cuộc sống, vì sức khỏe và tính mạng của con người. Vì vậy, bài viết đã củng cố niềm tin trên cơ sở khoa học, trên cơ sở hiện thực chứ không phải cảm tính, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong toàn Đảng, trong toàn dân trên con đường phát triển đi lên”.

Ngoài ra, bài viết còn cổ vũ sự phấn khởi trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì Đại hội XIII thực chất là thúc đẩy quá trình đổi mới theo con đường của CNXH, nên phải tạo ra được khát vọng mới để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Bài viết của Tổng Bí thư đã định hướng cho sự phát triển sau Đại hội XIII rất rõ. Để thực hiện được khát vọng đó thì Đảng, Nhà nước phải đẩy mạnh việc cụ thể hóa và thể chế hóa những quan điểm cơ bản của Đảng về CNXH, về con đường đi lên CNXH, thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những chủ trương, chính sách chiến lược lớn phải không ngừng hoàn thiện.

Hiện nay, chúng ta tập trung nhất vào thể chế và khâu đột phá đầu tiên của Nghị quyết Đại hội XIII vẫn là thể chế. Đột phá thứ hai là phát triển nguồn nhân lực và đột phá thứ ba là xây dựng hạ tầng hiện đại để năm 2030 trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại… Tất cả những vấn đề đó phải được cụ thể hóa, thể chế hóa để đưa đường lối của Đại hội XIII vào cuộc sống.

Đọc thêm