Trường nghề nhộn nhịp tuyển sinh
Khác với cảnh đìu hiu, vắng vẻ, không mấy người quan tâm những năm trước, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đào tạo nghề sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn. Thậm chí, hiện một số trường đã tuyển đủ học viên theo chỉ tiêu đề ra, sẵn sàng cho năm học mới.
Đơn cử Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội. Năm nay chỉ tiêu của trường là tuyển 2.000 sinh viên vào khóa 14 với 4 đợt xét tuyển. Đáng chú ý, khoảng 2 tuần trước thời điểm kết thúc đợt xét tuyển cuối cùng, nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội linh hoạt trong xét tuyển. Theo đó, thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2021 trở về trước sẽ xét tuyển học bạ, thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2022 sẽ xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm trúng tuyển của từng nghề sẽ căn cứ trên số lượng thí sinh đăng ký và chỉ tiêu các nghề cụ thể. Mỗi thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng (NV) vào trường. Không đạt NV1, sẽ được xét tuyển NV2.
PGS.TS.NGƯT. Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Mọi năm, khoảng giữa tháng 8 là các trường đại học đã “ngã ngũ” phương án, kết quả xét tuyển, thí sinh nào không trúng tuyển đại học thì giữa tháng 8 trở đi có thể đăng kí vào cao đẳng. Nhưng năm nay các trường đại học đến cuối tháng 8 mới bắt đầu thông báo hết thời hạn đăng kí tuyển sinh, nộp lệ phí xét tuyển và ngày 17/9 mới công bố kết quả. Tuy nhiên, trường chúng tôi đã hoàn thành xong tuyển sinh. Do đó, số thí sinh đăng kí vào trường chúng tôi năm nay hoàn toàn là những em tha thiết học cao đẳng, không phụ thuộc vào kết quả thi đại học nữa”.
Còn Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội năm nay tuyển sinh 1.200 sinh viên và đã tuyển được 600 em. Hầu hết thí sinh cho biết chọn trường nghề vì cho rằng tốt nghiệp dễ có việc làm ngay.
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội |
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, "chúng ta vẫn "thiếu thợ", nhất là những thợ lành nghề. Thợ lành nghề sẽ có mức lương cao. Thực tế này khiến nhiều thí sinh lựa chọn học nghề trực tiếp. Các em đã nhận thức được khả năng và điều kiện của mình, không chạy theo bằng cấp đơn thuần".
Sẵn sàng cho năm học mới
Những ngày này, cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính đã chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung liên quan như triển khai phổ biến pháp luật phòng chống tham nhũng và tiết kiệm chống lãng phí, phổ biến một số văn bản mới trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xây dựng phương án tổ chức dạy thực hành và thực tập sản xuất (khoa Hàn và cắt gọt Kim loại), tập huấn chuẩn đoán bằng máy GSCAN, bằng máy MIT (khoa Công nghệ ô tô)…
“Trước khi vào đầu năm học, nhà trường sẽ chỉ đạo các khoa rà soát lại cơ sở vật chất, học cụ, học liệu và triển khai kế hoạch tập huấn đầu năm học, tập huấn toàn diện cả về phòng cháy chữa cháy, kiến thức pháp luật, tài chính... Năm nào nhà trường cũng sẽ dành khoảng một tuần để củng cố, điều chỉnh các nội dung về chuyên môn”, ông Trần Việt Hùng, Phó hiệu trưởng Trung cấp nghề Giao thông Công chính chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử, Điện lạnh Hà Nội cho biết, nhà trường có một số ngành được xem là “chủ đạo” đúng như tên gọi của trường là ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (điện lạnh). Khi kết thúc năm học và bắt đầu năm học mới, nhà trường đều triển khai kiểm tra, rà soát, bổ sung trang thiết bị để khai thác tối ưu hiệu quả để phục vụ cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học viên nắm vững kiến thức khi ra trường.
Trong năm 2022, mục tiêu đặt ra là tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo thích ứng với sự tác động của dịch bệnh; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo mới, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp.