Hút thuốc lá thụ động - vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng

(PLO) - Tại hội thảo cung cấp thông tin về thực hiện Nhà hàng không khói thuốc  (NHKKT) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức hôm qua (15/11) tại Hà Nội, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam lại một lần nữa “gây sốc” khi khẳng định, khói thuốc thụ động chứa tới 7000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và không có ngưỡng nào là an toàn cho việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Ảnh minh họa từ internet.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam lo ngại, kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy tuy tỷ lệ hút thuốc lá ở phụ nữ Việt Nam rất thấp, nhưng tỷ lệ chị em mắc ung thư phổi lại rất cao (chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung). Và thủ phạm được nghĩ tới chính là hút thuốc lá thụ động. 

Thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp trẻ em hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng sáng ra phát hiện đã bị tử vong tại phòng ngủ. Điều tra và tìm hiểu nguy cơ gây tử vong các trường hợp này cho thấy, cha mẹ chúng có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm và có hút thuốc lá trong phòng. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá có thể gây đột tử ở trẻ em. Điều đó cho thấy, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động là vô cùng to lớn và đã đến hồi báo động…

Cũng theo HealthBridge, nhà hàng ăn uống là một trong những điểm chịu nhiều ảnh hưởng của khói thuốc lá. Kết quả nghiên cứu mới nhất do HealthBridge và Trường Đại học Y tế công cộng tiến hành tại 195 nhà hàng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và Ba Đình cho thấy việc triển khai thực thi mô hình NHKKT, tuy đã có những thay đổi tích cực (tỷ lệ NHKKT tăng từ 25,1% năm 2015 lên 44,1% năm 2016. Có 82,6% chủ nhà hàng biết về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và 69,2%  chủ nhà hàng biết về quy định cấm hút thuốc lá trong nhà hàng; có tới  85,6% chủ nhà hàng/người quản lý nhà hàng và 85% khách hàng ủng hộ việc thực thi môi trường không khói thuốc. Tuy nhiên, theo phản ánh của cơ quan chức năng, vẫn còn không ít người mù mờ thông tin về các quy định của Luật, cũng như các quy định về cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng. 

Cụ thể, theo bác sỹ Ngô Thị Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, qua công tác kiểm tra việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại một số nhà hàng trên địa bàn quận, kết quả cho thấy, có nhà hàng nhân viên không hút thuốc lá nhưng lại hút thuốc lào. Và tình trạng phổ biến hiện nay là người dân hạn chế hút thuốc lá nhưng lại chuyển sang hút xì gà. Đặc biệt, ngày càng có nhiều bạn trẻ, phụ nữ “làm bạn” với thuốc lá điện tử.

Khi được hỏi, họ cho biết chuyển sang sử dụng những loại trên trên vì nghĩ chúng không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật PCTHTL. Ngoài ra, còn có cách hiểu khác nhau về về địa điểm cấm hút thuốc lá (nhiều người nghĩ chỉ cấm hút thuốc ở khu vực trong nhà, chứ ngoài hành lang, nơi để xe… hút thoải mái, trong khi đó cũng là những điểm quy định cấm). Ngay cả những nơi quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn như trường học, cơ sở y tế, nơi có nguy cơ cháy nổ cao… khói thuốc vẫn vô tư bay bất chấp quy định của pháp luật. 

Qũy PCTHTL, Bộ Y tế cho hay, theo kế hoạch từ ngày 2/11 đến hết tháng 12/2016, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh, kiểm tra công tác triển khai thực hiện Luật PCTHTL và quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm trong nhà tại các nhà hàng có đăng ký kinh doanh tại 9 quận của Hà Nội. 

Đọc thêm