Người bệnh là ông H.M.H. 64 tuổi trú tại Đông Triều có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm và sử dụng thuốc lá khoảng 1 bao thuốc/ngày.
Ông H vào viện khám do đau dữ dội vùng ngực trái, vã mồ hôi và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp tối cấp. Chỉ sau khi nhập viện ít phút, người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức kíp trực cùng các bác sĩ khoa Nội tim mạch tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh: sử dụng sốc điện khử rung, thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp. Song song với đó, kíp can thiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành can thiệp mạch cho người bệnh.
Sau khoảng 10 phút, cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, bệnh nhân có huyết động trở lại và được chuyển đến phòng can thiệp DSA (chụp mạch máu xóa nền). Đánh giá bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn bất cứ lúc nào, do đó quá trình can thiệp yêu cầu các bác sĩ phải nhanh chóng, chính xác.
Các bác sĩ đã tiến hành chụp mạch vành xâm lấn qua da để đánh giá mức độ tổn thương và kịp thời can thiệp cho người bệnh. Kết quả cho thấy, người bệnh có tổn thương nặng ba thân động mạch vành, trong đó có nhánh động mạch vành trái bị tắc cụt hoàn toàn…
Theo bác sĩ khoa Nội tim mạch bệnh viện, đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim rất phức tạp, hẹp cả 3 thân động mạch vành chính gây thiếu máu nuôi dưỡng cho tim, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt stent động mạch vành trái giúp kịp thời lập lại lưu thông dòng chảy.
Sau thời gian điều trị, đến nay người bệnh đã hồi phục và được ra viện.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là các người có yếu tố nguy cơ tim mạch cao như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện thuốc lá, béo phì… cần được đi khám định kỳ để tầm soát các bệnh lý tim mạch để tránh các biến chứng cấp tính, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.