Huyện Sông Mã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đầu tư, mỗi năm có hàng chục công trình, dự án được xây dựng đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao.
Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sơ hạ tầng, diện mạo nông thôn huyện biên giới Sông Mã ngày càng đổi thay.
Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sơ hạ tầng, diện mạo nông thôn huyện biên giới Sông Mã ngày càng đổi thay.

Sông Mã là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, có 18 xã, 1 thị trấn, dân số gần 150.000 người, nằm cách trung tâm thành phố Sơn La hơn 100km về phía Nam theo trục Quốc Lộ 4G, phía Bắc giáp huyện Thuận Châu, phía Đông giáp huyện Mai Sơn, phía Nam giáp nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và huyện Sốp Cộp, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên.

Những năm qua, huyện Sông Mã luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất của người dân.

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện Sông Mã đặc biệt quan tâm tới các công trình giao thông, thủy lợi. Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được nhựa hóa, thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân. Hàng chục công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng cũng được cải tạo, nâng cấp, xây mới phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.

Được biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Mã là đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư phần lớn các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và các chất lượng công trình nên việc đầu tư xây dựng được huyện thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chứ không dàn trải, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa.

Trong quá trình thực hiện các công trình, dự án Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tăng cường công tác giám sát, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, ban giám sát cộng đồng trong thi công xây dựng. Đồng thời, tổ chức nghiệm thu các phần công việc theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình.

Một góc huyện Sông Mã.

Một góc huyện Sông Mã.

Cùng với đó, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Các công trình, dự án hoàn thành đã được các cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu. Do vậy, các dự án đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả đầu tư,

Những cung đường bê tông, những cây cầu kiên cố và hàng trăm công trình từ thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân đã tạo cho diện mạo nông thôn vùng cao biên giới Sông Mã đổi thay nhanh chóng. Huyện Sông Mã đầu tư hơn 74 tỷ đồng đầu tư xây dựng 80 công trình và thực hiện duy tu các công trình tại 15 xã khu vực III, 4 bản đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã khu vực I. Trong đó, 15 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 46 nhà văn hóa, 7 cây cầu, 6 nhà lớp học, 1 dự án điện nông thôn. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa đạt 54,8%; 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới an toàn; 98,6% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục lồng ghép, ưu tiên các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình mà người dân vùng khó khăn có nhu cầu cấp thiết, như cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thông, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà lớp học, nhà văn hóa xã, bản... Phấn đấu đến năm 2025, 85% số bản có đường từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; giảm trên 20% số xã, bản đặc biệt khó khăn...

Việc chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở huyện biên giới Sông Mã đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Đọc thêm