Án binh bất động...
Thông tin về Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; Kết quả tái cơ cấu, CPH DN nhà nước của Bộ tài chính tổ chức sáng nay, 11/12 cho biết, trrong năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 03 DN thuộc danh mục các DN CPH theo 2 văn bản trên.
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 DN đã CPH chỉ có 36/168 DN CPH thuộc danh mục 128 DN CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, ông Đặng Quyết Tiến, tiến độ CPH chậm vì trong đó có những tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) lớn có nhiều tài sản và nhà đất như Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), TĐ Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)… nên mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là một số bộ, ngành, địa phương, TĐ kinh tế, TCT nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, nhiều nơi vẫn “án binh bất động”. Điển hình là hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục CPH chưa thực hiện CPH.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về những đơn vị còn nhiều DN phải CPH đến năm 2020, thì TP Hà Nội còn phải CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TPHCM CPH 38 DN (11 TCT), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 TĐ, 3 TCT). Bộ Công thương CPH 4 DN (3 TCT). Bộ Xây dựng CPH 2 TCT …
Chậm, "chẳng buồn giải trình"…
Tình hình thoái vốn cũng không sáng sủa hơn. Mặc dù vốn thu về sau khi thoái gấp đôi giá trị sổ sách, nhưng tiến độ cũng khá chậm.
Trong năm 2019 có 13 DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định 1232/QĐ-TTg thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị với giá trị sổ sách 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. “Như vậy, việc thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1232 chỉ đạt 7,8% kế hoạch. ..”- Ông Tiến lưu ý.
Những đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232 với giá trị lớn là: Bộ Công thương (thoái vốn tại TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, TĐ Xăng dầu Việt Nam); Bộ GTVT (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại TCT Cảng hàng không Việt Nam - CTCP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại TCT Hàng không Việt Nam - CTCP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 TCT CP); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 DN).
Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).
Bộ Tài chính cũng chỉ ra những hạn chế như chậm tiến độ khác như chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần, chậm bàn giao về SCIC… Đồng thời tình trạng nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán vẫn chưa được khắc phục làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau CPH theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế sự giám sát của xã hội với hoạt động DN.
”Bộ đã công bố Bộ ngành, địa phương, DN nào chậm CPH, thoái vốn; DN nào đã CPH nhưng chậm quyết toán; đã công bố bao nhiêu DN đã CPH chưa niêm yết... Cứ chiếu theo barem đó cơ quan nhà nước xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Bộ Tài chính không có chức năng xử lý...”- Ông Tiến giãi bày.
Cục trưởng Cục Tài chính DN cũng không dấu được sự mệt mỏi khi cho biết, thậm chí Bộ cũng cho các đơn vị có thời gian giải trình nhưng nhiều đơn vị vẫn không có phản hồi, chậm vẫn chậm và không có ai bị xử lý trách nhiệm. “Cuối năm chúng tôi sẽ báo các Thủ tướng Chính phủ…”- Đại diện Bộ Tài chính nói…