Indonesia: Cam go cuộc chiến chống tham nhũng

(PLO) - Tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Indonesia với rất nhiều quan chức cấp cao và nghị sỹ quốc hội bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPK) bắt giữ trong năm qua, sau khi chính quyền đẩy mạnh các biện pháp nhằm giải quyết vấn nạn này.
Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto khi bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng. Ảnh: AP
Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto khi bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng. Ảnh: AP

Cuộc đấu tranh bài trừ tham nhũng của Indonesia là một nỗ lực đầy khó khăn vì tình trạng biển thủ công quỹ đã trở nên lan tràn và thậm chí diễn ra một cách có hệ thống trong nhiều thể chế nhà nước. Số lượng người bị bắt giữ và số các vụ kiện pháp lý với bị cáo là các quan chức và nghị sỹ tham nhũng trong vài năm qua không ngừng tăng, song vẫn không đủ để cảnh tỉnh và ngăn chặn các quan chức. 

Nghiêm trọng và nhiều thách thức

Quy trình kéo dài và mệt mỏi để đưa Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto ra tòa vì tội tham nhũng gây xôn xao dư luận đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và những thách thức trong cuộc đấu tranh chống lại vấn đề này. Bất chấp vị thế đòi hỏi phải gương mẫu và tuyệt đối tôn trọng luật pháp, ông Setya đã tỏ thái độ coi thường khi đệ đơn kiện cáo buộc mà KPK đưa ra vào vào tháng 7/2017, đồng thời tìm cách lợi dụng thế lực chính trị để đối phó với KPK bằng cách thành lập một nhóm làm việc đặc biệt thuộc Quốc hội thực hiện việc điều tra chống lại ủy ban này. Hành động của ông Setya đã khiến dư luận gay gắt chỉ trích Quốc hội, vốn bị xem là một trong những thể chế tham nhũng nhất tại Indonesia. 

Công chúng cho rằng việc Quốc hội thành lập một nhóm điều tra đặc biệt chống lại KPK là đi ngược lại chính sách của chính quyền và nguyện vọng của người dân nhằm thủ tiêu hoàn toàn nạn tham nhũng. HS Dillon, thành viên tổ chức Xã hội Dân sự Chống Tham nhũng của Indonesia, bình luận: “Đây là vấn đề nghiêm trọng. Họ dùng nhiều thế lực chính trị để chống đối mục tiêu bài trừ tham nhũng của quốc gia. Thay vì ủng hộ nỗ lực này, các nghị sỹ quốc hội trên thực tế lại làm tiêu tan hy vọng của nhà nước về một tương lai tươi sáng hơn và không có tham nhũng”. Ông Dillon nói thêm rằng tình trạng tham nhũng tràn lan sẽ gây trở ngại cho quốc gia này trong việc đẩy mạnh hơn nữa quyết tâm trở thành một đất nước thịnh vượng. 

Ngoài ông Setya, cơ quan chống tham nhũng được chính quyền hậu thuẫn cũng đã bắt hàng chục nghị sỹ quốc hội vì nghi ngờ họ dính líu đến nhiều vụ tham nhũng. Ít nhất 12 thống đốc, 64 quan chức và thị trưởng đã bị KPK câu lưu do tình nghi dính líu đến các vụ tham nhũng kể từ khi ủy ban này được thành lập vào năm 2004. KPK cũng bắt giữ các cựu bộ trưởng và các quan chức cấp cao vì cáo buộc tham nhũng trong thời gian nắm quyền. Một số nhân vật đã bị phạt tù lên tới 6 năm và buộc phải trả lại số tiền đã biển thủ cho nhà nước. 

“Lỗ hổng” luật pháp

Bài trừ tham nhũng đã trở thành một chính sách trọng tâm của chính quyền tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á này trong vài thập kỷ trở lại đây. Số người vi phạm bị bắt giữ đã tăng mạnh kể từ khi KPK phát động chiến dịch trừng trị thẳng tay hồi giữa những năm 2000. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã gây chấn động dư luận khi đưa tin rộng rãi về các vụ bắt giữ những nhân vật nổi tiếng vì nhận hối lộ. Tuy nhiên, bất chấp sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều người trong số bị bắt lại được nhận những bản án khá khoan dung sau khi bị khởi tố, trung bình từ  4-6 năm tù giam, trong khi khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.     

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng hình phạt quá nhẹ khó có thể ngăn chặn việc tái diễn nạn tham nhũng, hoặc đủ sức cảnh cáo. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về những lỗ hổng trong luật pháp dễ khiến tiền biển thủ được lén chuyển ra nước ngoài. Giới chỉ trích cho rằng các bản án tham nhũng không thỏa đáng khi xét đến những thiệt hại và tác động tiêu cực mà những người này gây ra đối với xã hội và ngân quỹ nhà nước.

Hơn thế, các hình phạt cũng không bao gồm các hoạt động liên quan đến đời sống xã hội thực tế, vốn được xem là rất cần thiết và có tính răn đe cao. Những hình phạt này có thể là tước quyền chính trị, cấm tham gia các dịch vụ tài chính, cũng như cấm làm việc trong khu vực công hoặc đăng tải các thông tin cụ thể về cá nhân vi phạm. Ramadan Pradiptyo, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Doanh nghiệp tại Đại học Gajah Mada, bình luận: “Luật pháp Indonesia vẫn đi theo những lối suy nghĩ thông thường song họ cần cải tiến và sáng tạo trong việc đề ra các khung hình phạt đối với những kẻ phạm tội”. 

Chính quyền do Tổng thống Joko Widodo lãnh đạo đã đề xuất sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm hạn chế tối đa những kẽ hở tạo điều kiện cho tham nhũng. Chính quyền đã lên kế hoạch áp dụng hệ thống ngân sách điện tử, kế hoạch điện tử và thu mua hàng hóa điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình đề xuất ngân sách, các kế hoạch phát triển và thu mua hàng hóa trong tương lai gần. Tổng thống Widodo gần đây cho biết chính quyền của ông hiện đang trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho những hệ thống này, được kỳ vọng là sẽ giảm đáng kể tình trạng tham nhũng.

Tổng thống Widodo cũng có kế hoạch cải tổ quá trình cấp phép trong các thể chế chính quyền để hạn chế nguy cơ các tổ chức và doanh nghiệp bị nhũng nhiễu trong quá trình xin cấp phép hoạt động. 

Công nghệ kỹ thuật số có thể giúp Indonesia đối phó với nạn tham nhũng bởi sự hiện diện của các công nghệ này sẽ giúp cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi chống lại những người muốn lừa gạt chính quyền cũng như gây tổn hại cho những công dân tuân thủ luật pháp và làm việc chăm chỉ.