Theo AFP, trong một báo cáo được Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) công bố hôm 31/1, vấn đề này càng được nhấn mạnh hơn nữa về mức độ nghiêm trọng sau khi cảnh sát bắt được hai người phụ nữ có liên hệ với IS hồi tháng 12/2016 với bị cáo buộc lên kế hoạch đánh bom liều chết ở quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới- Indonesia.
Trước đó, trên Tạp chí Tempo của Indonesia hồi tháng 7/2016, ông Sidney Jones, Giám đốc IPAC nhận định: “Sự xuất hiện của nữ đánh bom liều chết ở Java chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Một trong 2 trường hợp nghiêm trọng nhất là Dian Yulia Novi với cáo buộc tình nguyện trở thành kẻ đánh bom tự sát ở Jakarta. Cụ thể, trung tuần tháng 12/2016, Dian Yulia Novi (27 tuổi) đã bị bắt cùng với 6 đồng bọn với cáo buộc âm mưu cho phát nổ một quả bom lớn tại Văn phòng Tổng thống. Đây được cho là nữ đánh bom tự sát đầu tiên của Indonesia bị bắt giữ.
Trả lời phỏng vấn Kênh tin tức TVOne của Indonesia trong thời gian bị giam giữ, Dian Yulia Novi cho biết, cô ta từng giúp việc cho một gia đình ở Singapore trong 18 tháng và công việc chủ yếu là chăm sóc 3 đứa trẻ. Cô ta nói rằng cảm thấy ngưỡng mộ những người theo thánh chiến trên Facebook trước khi được giới thiệu kết hôn với một thành viên trong nhóm khủng bố có trụ sở tại thành phố Solo ở Java. Theo Straits Times, nhóm này được Bahrun Naim, hiện đang chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Trung Đông thành lập.
Theo báo cáo của IPAC, nhiều người dân Indonesia lâu nay vẫn phải vật lộn với phiến quân Hồi giáo, nhưng giờ đây lại đổ xô tham gia trở thành phiến quân thánh chiến IS ở Trung Đông. Đặc biệt là phụ nữ, số lượng nữ giới gia nhập IS ngày càng tăng, nó không chỉ đơn thuần là việc hỗ trợ, ủng hộ người chồng cực đoan của mình và chính những người phụ nữ này đặt ra những mối đe dọa mới không lường trước được đối với Indonesia.
Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng nguyên nhân của tình trạng này không chỉ liên quan đến lời kêu gọi của IS, mà đến sự phức tạp ngày càng tăng của mạng xã hội vốn cho phép ngày càng nhiều phụ nữ xem các nội dung tuyên truyền thánh chiến và tham gia các diễn đàn cực đoan.
Trước thực trạng vô cùng cấp bách trên, IPAC kêu gọi Chính phủ Indonesia cố gắng tìm hiểu thêm về mạng lưới cực đoan nữ giới, trong đó có việc phỏng vấn nhiều phụ nữ bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau khi được cho là đã tìm cách vào Syria để gia nhập IS. “Sự cần thiết để hiểu rõ hơn về phụ nữ cực đoan ở Indonesia đột nhiên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, IPAC kêu gọi.