Indonesia không nhận được cảnh báo sóng thần

Indonesia đang huy động tổng lực để khắc phục hậu quả sóng thần và núi lửa phun trào. Hai thảm họa này đã khiến hơn 300 người thiệt mạng và hàng trăm người khác mất tích. Người dân trong khu vực sóng thần đã không hề nhận được thông tin cảnh báo.

Indonesia đang huy động tổng lực để khắc phục hậu quả sóng thần và núi lửa phun trào. Theo thống kê mới nhất, tới sáng nay, hai thảm họa này đã khiến hơn 300 người thiệt mạng và hàng trăm người khác mất tích. Người dân trong khu vực sóng thần không hề nhận được thông tin cảnh báo.

Indonesia không nhận được cảnh báo sóng thần ảnh 1
Một nạn nhân của thảm họa núi lửa. Ảnh: AFP

Theo thống kê do chính quyền Indonesia vừa công bố, số người chết trong trận sóng thần hung hôm 25/10, sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở ngoài khơi Tây Sumatra làm ít nhất 311 người chết và 410 người khác mất tích. Ngoài ra, thảm họa núi lửa Merapi khiến 29 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Hôm qua, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phải cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam (theo dự kiến ông sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN), để về nước chỉ đạo chiến dịch cứu hộ các nạn nhân của các thảm họa sóng thần và núi lửa. Cùng ngày, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã thay mặt cho các nước ASEAN gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Indonesia, đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ và nhân dân Indonesia sớm khắc phục được hậu quả của những thiên tai này.

Sau một ngày núi lửa Merapi phun trào nham thạch, hôm qua, cảnh báo vẫn được giữ ở mức cao xung quanh núi lửa Merapi – núi lửa hung dữ nhất của Indonesia trên đảo Java. Theo thông tin mới nhất, Merapi đã phun nham thạch lên 10 lần trong ngày 26/10. Ông Banu Hermawan, phát ngôn viên của Bệnh viện Sardjito tại Yogyakarta, thành phố lớn nằm cách núi lửa Merapi 25 km, cho hay, tro bụi và khói phát lên từ núi lửa đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng.

Indonesia không nhận được cảnh báo sóng thần ảnh 2
Một con bò bị phủ đầy tro bụi của núi lửa. Ảnh: AFP

Theo một quan chức Indonesia, dân làng tại khu vực hứng chịu thiên tai đã không được cảnh báo kịp thời về trận sóng thần đang ập tới mặc dù ngay sau trận động đất Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương đã phát đi cảnh báo. Đó là bởi vì hai chiếc phao trong hệ thống cảnh báo đặt ngoài khơi đã bị con người phá hoại nên không thể hoạt động bình thường. Những chiếc phao này có vai trò quan trọng vì nó thu thập dữ liệu về các con sóng nhanh hơn nhiều so với thiết bị đo thủy triều.

Ông Ridwan Jamaluddin, Cục đánh giá và ứng dụng công nghệ Indonesia, khẳng định: "Tôi không nói hệ thống cảnh báo bị hỏng mà là chúng đã bị phá hoại, trong khi thiết bị này rất đắt tiền. Chúng tôi phải đầu tư 5 tỷ rupiah cho mỗi hệ thống (tương đương 560.000 USD)".

Indonesia nằm trong khu vực núi lửa hoạt động dữ dội nhất thế giới với khoảng 130 núi lửa. Nước này thường xuyên phải hứng chịu những thảm họa động đất và núi lửa, đặc biệt nơi đây đã xảy ra hai thảm họa tự nhiên trên đất liền lớn nhất thế giới thời kỳ hiện đại: vụ núi lửa Tambora phun nham thạch năm 1815 đẫm máu nhất trong lịch sử, sau đó là vụ nổ của núi Krakatoa năm 1883 khiến hàng chục nghìn người chết.

T.T (Theo AFP, Reuters, CNN)

Đọc thêm