Indonesia: Tổng thống Widodo giải “bài toán” kinh tế

(PLO) - Trong bối cảnh Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đang bước vào nửa cuối nhiệm kỳ, dường như ông khó có thể đạt được những mục tiêu mong muốn liên quan đến chương trình kinh tế trước khi mãn nhiệm vào năm 2019. 
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia vẫn dao động ở mức trên 5% và Tổng thống Joko Widodo (trái) đang rất lo lắng cho các mục tiêu kinh tế chủ yếu trong nhiệm kỳ của mình

Khi đó, tăng trưởng kinh tế sẽ “lơ lửng” ở mức khoảng 5%, và với những điều kiện hiện tại, sẽ chẳng có cách nào để con số này tăng lên đến 7% vào năm 2019, như những gì ông đã đặt ra cho chiến dịch Nawacita (chiến dịch 9 mục tiêu) của mình. 

Mục tiêu khó đạt

Tốc độ tăng trưởng đầu tư của Indonesia vẫn còn yếu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 2,5 tỷ USD trong quý I/2017, bằng gần một nửa của quý III/2016. Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng theo các dự án đang được triển khai rất chậm, một số đang bị trì hoãn hoặc vẫn đang được xem xét. Sản xuất điện có thể sẽ không đạt được mục tiêu bổ sung thêm 35.000 MW. 

Mục tiêu về doanh thu thuế cũng đã bị hạ xuống và thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục leo thang, gần ngưỡng pháp lý là 3%. Dù kết quả của chính sách miễn thuế đã tốt hơn so với các nước khác, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra. Hơn nữa, mặc dù Ngân hàng Indonesia đã giữ những chính sách tiền tệ phù hợp, song mức độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng vẫn yếu kể từ tháng 12/2015. 

Trong lĩnh vực năng lượng, sản lượng dầu đã giảm và thâm hụt dầu khí trong cán cân thanh toán lại tăng lên. Thâm hụt đã đạt 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phát triển nở rộ của năng lượng tái tạo chỉ mới đạt được thành công ban đầu. Tuy nhiên, các công ty năng lượng đã cắt giảm ngân sách cho các hoạt động thăm dò và một số công ty thậm chí còn từ bỏ các hoạt động tìm kiếm các nguồn năng lượng dự trữ mới, gần đây nhất là việc Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil đã rút khỏi bể khí Đông Natuna của Indonesia. 

Việc kinh doanh một số mặt hàng vẫn phải trải qua nhiều quy định gắt gao, gây bối rối trên thị trường và mở ra cơ hội cho tham nhũng và tìm kiếm đặc lợi, dẫn đến một nền kinh tế với chi phí đắt đỏ cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Tiến thoái lưỡng nan

Để đẩy mạnh đầu tư, nền kinh tế cần được định hướng theo cách cởi mở hơn trong cả hoạt động thương mại và đầu tư; tuy nhiên, sẽ tạo ra “thế tiến thoái lưỡng nan” cho ông Jokowi. Mở rộng thương mại đầu tư chắc chắn sẽ liên quan đến việc dỡ bỏ một số hạn chế về quy tắc sở hữu nước ngoài và sự cạnh tranh quốc tế. Ông Jokowi, người có khả năng sẽ tái tranh cử vào năm 2019, hiểu rằng những biện pháp này sẽ khiến những nhân vật trong giới chính trị đang chống đối ông tiếp tục chỉ trích, cho rằng ông đang coi trọng quá mức những lợi ích quốc tế. 

Nhiều người trong lĩnh vực tư nhân Indonesia và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài mong muốn những kinh nghiệm kinh doanh của ông Jokowi sẽ dẫn dắt ông đi theo một phương pháp tiếp cận hơn với thị trường cũng như mở rộng hơn đối với thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, ông Jokowi đã nắm chính quyền đúng thời điểm mà các ý tưởng chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao; trong khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lại thừa hưởng một nền kinh tế được bao bọc bởi chủ nghĩa bảo hộ và nhiều hạn chế hơn đối với đầu tư nước ngoài. 

Từng là một doanh nhân, ông nhạy cảm với bất kỳ rào cản quan liêu nào làm cản trở hoạt động kinh doanh đang vận hành trơn tru của nước mình. Trong một bài phát biểu gần đây, ông nghiêm khắc cảnh báo các bộ trưởng Indonesia không được đưa ra các quy định mà không có sự xem xét cẩn thận trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, bởi vì điều này có thể gây hỗn loạn và làm nản lòng các nhà đầu tư. Ông đã chỉ trích Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Ignasius Jonan, người vừa ban hành một quy định mở rộng việc kiểm soát các công ty làm việc trong ngành dầu khí. Bộ này nổi tiếng với chính sách “lật lọng” trong các vấn đề xuất khẩu dầu khí và khoáng sản, dẫn đến sự sụt giảm đầu tư vào các lĩnh vực này. 

Năm 2018, các cuộc bầu cử khu vực sẽ đồng thời được tổ chức, và năm 2019, lần đầu tiên cuộc bầu cử lập pháp và cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức đồng thời. Sự cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được dự đoán sẽ rất khốc liệt. Cơ hội để thực hiện các cải cách kinh tế quan trọng sẽ biến mất. Đặc biệt, căng thẳng chính trị trước cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, buộc các nhà đầu tư phải cảnh giác, cản trở tăng trưởng kinh tế và đầu tư. Bởi vậy, nền kinh tế muốn đạt được tăng trưởng phải phụ thuộc vào việc liệu Tổng tống Jokowi có sẵn sàng đưa ra các cải cách quan trọng và rộng lớn hơn hay không, cũng như việc liệu ông có sẵn sàng chấp nhận các rủi ro liên quan hay  không...

Đọc thêm