Mặc dù vậy, chiến dịch này đến nay vẫn tồn tại nhiều thách thức, khiến người dân ở Mosul có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.
Cuộc chiến phức tạp
Ngày 19/2, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã thông báo triển khai các chiến dịch quân sự nhằm giành lại khu vực phía Tây thành phố Mosul từ tay IS tự xưng. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Abadi công bố bắt đầu giai đoạn mới của chiến dịch tại Mosul và các lực lượng Iraq đang tiến về tỉnh Nineveh để giải phóng khu vực phía Tây thủ phủ Mosul của tỉnh này.
Cuộc truy quét nhằm mục đích tiêu diệt các tay súng IS đồng thời xây dựng một phòng tuyến mới tại đây để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng các khu vực phía Tây Mosul. Theo các chuyên gia, chiến dịch sắp tới này có thể phức tạp hơn nhiều do các đường phố ở khu vực Tây Mosul quá hẹp và cắt ngang dọc, khiến các loại xe bọc thép khó tiến vào. Các tay súng IS được cho là sẽ chống trả rất quyết liệt bởi đang bị dồn vào đường cùng và những khu vực do IS kiểm soát ở thành phố miền Bắc Iraq đã bị thu hẹp đáng kể.
Cảnh sát và các lực lượng của Bộ Nội vụ Iraq dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc tấn công giành lại Tây Mosul bằng việc di chuyển tới sân bay Mosul, ở rìa phía Nam thành phố và phía Tây của sông Tigris.
Trước đó, ngày 18/2, không quân Iraq đã thả hàng triệu truyền đơn trên khu vực Tây Mosul nhằm cảnh báo cư dân về chiến dịch tấn công trên bộ vào khu vực IS kiểm soát, bên cạnh đó đưa ra hướng dẫn và khuyến nghị dành cho cư dân khu vực này. Theo thống kê của Liên Hợp quốc (LHQ), hiện có khoảng 800.000 người đang sống ở khu vực Tây Mosul. Các cơ quan Liên hợp quốc đã sẵn sàng trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự.
Nhiều khó khăn
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria. Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6/2014 đến nay, Mosul đã trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. IS đã tuyên bố thành lập một “vương quốc Hồi giáo” (caliphate) bao gồm cả các vùng đất chiếm được của Syria.
Ngày 20/2, giới chức Mỹ cho biết hiện vẫn còn khoảng 2.000 tay súng thuộc IS tại khu vực phía Tây thành phố Mosul để bảo vệ thành trì trước các cuộc tấn công quy mô lớn của các lực lượng an ninh Iraq. Thông tin này được một quan chức cấp cao Mỹ xác nhận với báo giới trong khuôn khổ chuyến thăm Iraq của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Theo ước tính, tại Mosul có khoảng 6.500 phiến quân IS, gồm cả người Iraq và người nước ngoài và các tay súng khác ở các khu vực lân cận. Một quan chức cấp cao Iraq đã từng khẳng định, muốn làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn IS tại Iraq và Syria, việc đầu tiên quân đội Iraq và liên quân quốc tế cần tiến hành là đánh chiếm Mosul, bởi đây không chỉ là một thành phố lớn mà còn có ý nghĩa về tinh thần rất lớn đối với cả Chính phủ Iraq lẫn lực lượng khủng bố.
Vì thế, cách đây 4 tháng, vào ngày 17/10/2016, các lực lượng Iraq với sự yểm trợ của lực lượng Mỹ và các đồng minh, đã bắt đầu chiến dịch quy mô lớn nhằm vào Mosul. Đến nay, chiến dịch tái chiếm Mosul đã đạt được những bước tiến nhất định trên thực địa. Từ tháng 1/2017, quân đội Iraq đã giành lại được khu vực Đông Mosul từ tay IS, chia cắt phần còn lại của thành phố bởi con sông Tigris. Khoảng 1.500 tên khủng bố đã thiệt mạng trong 4 tháng qua.
Tuy nhiên, chiến dịch tái chiếm Mosul cũng tồn tại nhiều khó khăn. Đó là việc IS sử dụng hệ thống đường hầm xung quanh thành phố Mosul để thực hiện các cuộc phục kích, tấn công bất ngờ, gây khó khăn cho quân đội và các lực lượng của Iraq. Nhiều khu vực sau khi nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Iraq lại bị IS tấn công quyết liệt đoạt lại nên phải mất thêm nhiều thời gian nữa để tái chiếm. Theo các chuyên gia, chiến dịch sắp tới này có thể phức tạp hơn nhiều do các đường phố ở khu vực Tây Mosul quá hẹp và cắt ngang dọc, khiến các loại xe bọc thép khó tiến vào. Các tay súng IS được cho là sẽ chống trả rất quyết liệt bởi đang bị dồn vào đường cùng và những khu vực do IS kiểm soát ở thành phố miền Bắc Iraq đã bị thu hẹp đáng kể.
Ngay cả trước chiến dịch giành lại phía Tây Mosul lần này của quân đội Iraq, bản thân IS cũng đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc giao tranh mới bằng việc mở các lối đi xuyên qua những ngôi nhà của dân thường nhằm để chúng di chuyển mà không bị phát hiện. Các tay súng cũng đã được bố trí hướng ra dòng sông Tigris, nơi đang chia đôi Mosul thành hai bờ Đông-Tây.
Chưa hết, khoảng 800.000 dân thường vẫn đang sinh sống tại Tây Mosul là một thách thức lớn đối với quân đội Iraq trong việc tấn công IS. Tình trạng thiếu điện, thực phẩm, nước uống nghiêm trọng đang đặt người dân nơi đây đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Đại diện của LHQ cho biết, tình hình sẽ khó dự đoán khi các chiến dịch quân sự ở Mosul tiếp diễn và có thể kéo dài. Việc sơ tán người dân ra khỏi khu vực chiến sự cũng gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tổ chức Save the Children cũng đã kêu gọi lực lượng an ninh Iraq làm hết sức để bảo vệ 350.000 trẻ em còn mắc kẹt lại nơi này.
Trong khi đó, người ta cho rằng, tội ác của IS không chỉ dừng ở các cuộc đánh bom. Báo cáo của LHQ hồi cuối năm 2016 cho biết, IS có thể đang tàng trữ cũng như thực hiện các vụ tấn công hóa học tại khu vực xung quanh thành phố Mosul.
Những thách thức đó cho thấy chiến dịch giành lại Mosul vẫn còn nhiều khó khăn.