IS đã “kích hoạt” nguy cơ khủng bố toàn cầu?

(PLO) - Có hay không mối liên quan giữa vụ máy bay rơi ở Ai Cập và các cuộc tấn công ở Paris? Và tình cảnh bi thảm ở Paris trong hôm thứ Sáu ngày 13 vừa qua có thể “bật đèn xanh” cho cuộc tấn công ở Mali sau đó ít ngày? 
Nổi lên ngày một nhiều những nhóm phiến quân cực đoan
Nổi lên ngày một nhiều những nhóm phiến quân cực đoan
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đang đi sâu vào các sự kiện khủng bố dồn dập xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới để tìm câu trả lời cho một giả thiết rất đáng quan ngại: Phải chăng tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng IS đã “kích hoạt” một cuộc thánh chiến quy mô toàn cầu?
“Vụ rơi máy bay ở Ai Cập và các cuộc tấn công ở Paris: IS có khả năng gì?” là tựa đề bài viết của Sonia Farid - phóng viên đặc biệt của trang mạng “Al Arabiya”,  tổng hợp nhiều ý kiến, nhận định của các nhà báo về sự liên quan giữa hai vụ khủng bố này. 
Lấy oán báo thù?
Tổ chức IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công tại Paris và vụ máy bay Nga gặp nạn trên bán đảo Sinai của Ai Cập. Việc so sánh hai vụ tấn công đã đặt ra câu hỏi về tác động của các sự kiện này đối với các nước liên quan cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế. Nhà báo Abul Ezz cho rằng, IS thực hiện các cuộc tấn công “nhằm bù đắp cho những mất mát, tổn thất lớn của chúng tại Syria và Iraq, sau các cuộc tấn công qui mô lớn của Nga và Mỹ”. 
“Nhóm này đã bắt đầu tìm kiếm các địa điểm khác để hoạt động, tấn công và tuyên bố rằng những mất mát và thiệt hại của nhóm này ở Syria và Iraq là sự khởi đầu cho một kết thúc đau thương, và do đó dẫn đến các cuộc tấn công liên tiếp ở những nơi không ai ngờ tới như Liban, Ai Cập và Pháp” - ông viết. 
Trong khi đó, nhà báo Amer al-Sabaila cho rằng vụ tai nạn máy bay của Nga ở Sinai và các cuộc tấn công ở Paris đã cho thấy IS đang khởi động một giai đoạn mới trong hoạt động của chúng. Nhà báo này cho biết: “Tổ chức này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động với mức độ đáng sợ hơn vì các vụ khủng bố trên cho thấy chúng có thể tấn công vào bất kỳ thành phố nào, nơi mà người ta không thể ngờ tới. Đặc biệt, bây giờ không ai được coi là an toàn tuyệt đối”. 
Còn nhà báo Mohamed Abdel Salam thì lại chỉ trích cộng đồng quốc tế về các phản ứng trước hai vụ tấn công khủng bố trên: “Thế giới đã không đối xử với Ai Cập giống như đối xử với Pháp, mặc dù thực tế cả hai đều là nạn nhân của bọn khủng bố”. 
“Trong khi các cường quốc thế giới hoàn toàn ủng hộ Pháp thì Ai Cập lại bị chỉ trích như là thủ phạm chứ không phải là nạn nhân. Không có đường bay nào ở Pháp bị trì hoãn và cũng chẳng có nước nào sơ tán công dân của mình khỏi Paris; trong khi đó, Ai Cập đã phải làm những điều này”- ông viết thêm. 
Nhà phân tích chính trị Saeid al-Lawendi cho biết, các cuộc tấn công tại Paris làm nổi bật thêm sự bất công dành cho Ai Cập khi cả thế giới chỉ tập trung vào những thiếu sót trong hệ thống an ninh và bảo mật của nước này. 
Nhà phân tích này nhận định: “Bây giờ, Ai Cập không cần phải tự bảo vệ mình trước những lời lẽ của cộng đồng quốc tế mà vẫn có thể thuyết phục cả thế giới rằng chủ nghĩa khủng bố có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ nơi nào và chẳng có nơi nào trên thế giới này được an toàn, cho dù có vẻ như nhiều nơi khá an toàn. IS có khả năng bắn hạ một máy bay ở Sinai, cũng như chúng đã nhắm vào một sân vận động ở Paris, nơi mà người ta cũng áp dụng các biện pháp an ninh giống như tại các sân bay”. 
Hiện trường vụ giải cứu con tin ở Mali
Hiện trường vụ giải cứu con tin ở Mali 
Lo khủng bố lan rộng
Nhà phân tích Mohamed Abdel Rahman cho biết một thực tế rằng, IS tiến hành hai vụ tấn công không thực sự giống nhau. Ông Rahman nói: “Sân bay được cho là nơi an toàn nhất trên thế giới và các biện pháp an ninh tại đây luôn ở mức cao nhất, do đó một quả bom gài trên một chiếc máy bay thông qua một sân bay là một nhược điểm an ninh nghiêm trọng. Những mục tiêu ở Paris không phải là cơ quan chính phủ, ví dụ như sân vận động, nhà hát... nên bọn khủng bố cũng khó có thể vào được, do các biện pháp phòng ngừa an ninh được áp dụng rất nghiêm ngặt”. 
Theo ông Rahman, cần xem xét một điểm quan trọng nữa đó là các công dân Nga đã thiệt mạng trên đất Ai Cập. Vì vậy, điều này có liên quan đến một nước thứ ba và đó là lý do khiến thế giới có thiện cảm với Nga và Pháp, trong khi Ai Cập lại bị đổ lỗi.
Nhà báo Sawsan al-Abtah cho rằng, hai vụ tấn công khủng bố đó đã chứng minh rằng chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng và liệu những cuộc tấn công khủng bố trong tương lai sẽ được thực hiện tại một nước hay nhiều nước khác nhau? Liệu IS chỉ làm việc cho chính tổ chức này hay cho các mạng lưới của chúng, hay chúng đang được một kẻ “chống lưng” nào đó sử dụng để gây bất ổn và xung đột? 
Ông Abtah cho rằng, cả hai vụ việc trên cần các cuộc điều tra kỹ lưỡng về những mục tiêu, kế hoạch, biện pháp, hành động, vũ khí sử dụng... của IS. Đặc biệt cần tiến hành điều tra kỹ xem tại sao khi IS tiến hành các cuộc tấn công khủng bố mà không bị phát hiện tại các quốc gia được cho là có hệ thống an ninh rất tốt như Mỹ và Pháp. 
“Kích hoạt” thảm kịch Mali?
Trên trang tin “Al Afrika” số ra mới đây, trong bài “Sự kiện Paris có thể “bật đèn xanh” cho cuộc tấn công ở Mali”, Susan Houlton - chuyên gia phân tích về châu Phi – dẫn nhận định của William Assanvo - nhà nghiên cứu Tây Phi tại Viện Nghiên cứu An ninh tại thủ đô Dakar (Senegal)  cho biết: “Mối đe dọa khủng bố ở Mali xuất phát từ động lực riêng và không liên quan trực tiếp đến những gì đang xảy ra ở Trung Đông với các tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Các phần tử thánh chiến ở Mali có cách thức hoạt động riêng”.
Người dân Mali không mấy xa lạ với các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang Hồi giáo tại đây. Vụ xả súng trong khách sạn Radisson Blu xảy ra sau cuộc bao vây khách sạn và bắt con tin ở trung tâm thị trấn Malian, thuộc tỉnh Sevare hồi tháng 8/2015 khiến 4 binh sỹ, 5 nhân viên Liên Hợp quốc (LHQ) và 4 kẻ tấn công bị thiệt mạng. 
Vào tháng 3/2015, các tay súng bịt mặt đã xả súng bên trong một nhà hàng ở Bamako, nơi lui tới thường xuyên của người nước ngoài, khiến 5 người thiệt mạng. Ông Paul Melly - thành viên liên kết của Chương trình châu Phi tại Viện Nghiên cứu Chatham House, Vương quốc Anh - cho rằng “có khả năng” các sự kiện ở Paris và cuộc bao vây ở ngoại ô Saint-Denis đã nhen nhóm một ngọn lửa cho những kẻ thực hiện cuộc tấn công đó, khiến chúng chọn thời điểm đặc biệt này để hành động. Có thể những kẻ khủng bố hy vọng sẽ gây được sự chú ý và lấy đó làm bàn đạp để thực hiện các cuộc tấn công khác. 
Tuy nhiên, ông Melly cho rằng gốc rễ của cuộc tấn công này có thể không liên quan đến các cuộc tấn công ở Paris vì hoạt động của những chiến binh thánh chiến này đã diễn ra ba hoặc bốn năm nay ở Mali. Đặc biệt, trong năm qua các cuộc tấn công đã di chuyển từ phía Bắc xuống khu vực trung tâm và phía Nam của đất nước này, bao gồm cả thủ đô Bamako.
Radisson Blu là một khách sạn sang trọng nằm ở trung tâm Bamako. Cho đến nay, Radisson Blu được coi là khách sạn an toàn nhất của thành phố và là nơi gặp gỡ thường xuyên của các đoàn khách quốc tế, các nhà ngoại giao và thành viên của các cộng đồng doanh nghiệp. Ông Jan Henrik Fahlbusch- người đứng đầu Viện Nghiên cứu Friedrich Ebert Foundation ở Bamako - nhấn mạnh, cuộc tấn công ngày 20/11 vừa qua đã chứng minh các đối tượng khủng bố hành động quá chuyên nghiệp. 
Mỗi nhóm phiến quân tại Mali có lợi ích riêng từ sự bất ổn của đất nước, vì điều đó cho phép chúng tiến hành các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy, buôn người... Các lực lượng vũ trang và các đoàn khách quốc tế tại nước này là “cái gai” trong mắt các nhóm khủng bố tại Mali. 
“Những kẻ khủng bố coi các phái đoàn nước ngoài là kẻ thù của chúng và điều này là một trong những lý do tại sao các cuộc tấn công thường được thực hiện ở những nơi người phương Tây thường xuyên lui tới” - ông Fahlbusch nói. 
Để chống khủng bố, thế giới phải đoàn kết lại
Để chống khủng bố, thế giới phải đoàn kết lại 
“Phá rối” thỏa thuận hòa bình?
Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công khách sạn Radisson Blu, một nhóm Hồi giáo cực đoan - được gọi là Al-Murabitoun, có quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, đồng thời có quan hệ chặt chẽ với các nhóm Hồi giáo khác - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. 
Đây cũng là nhóm đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tại quốc gia châu Phi này hồi tháng 3/2015 và tháng 8/2015. Theo các chuyên gia phân tích khu vực, các thành viên của nhóm này chủ yếu là người Tuaregs và người Arập ở miền Bắc Mali. Tuy nhiên, nhóm này cũng đã kết nạp nhiều thành viên từ hai nước láng giềng Algeria và Tunisia.
Theo các nhà quan sát, vụ tấn công vừa qua vào khách sạn Radisson Blu cũng nhằm gây bất ổn ở khu vực phía Nam, trong đó có thủ đô Bamako tương đối yên bình. Theo ông Melly, một yếu tố khác có thể khiến các phần tử thánh chiến ở Mali muốn tạo ra một cuộc tấn công vào thời điểm này, cụ thể là thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và lực lượng đấu tranh cho quyền tự chủ, độc lập ở phía Bắc nước này. Thỏa thuận này đã bắt đầu được thực hiện giữa chính phủ và các nhóm vũ trang phi thánh chiến và đó là một sự thay đổi trong động lực chính trị, hướng tới sự ổn định ở phía Bắc Mali. Các chiến binh thánh chiến có lẽ muốn tái khởi động cuộc đối đầu này.
Chưa thể trả lời được trọn vẹn câu hỏi đã nêu, song rõ ràng chủ nghĩa khủng bố đang có nguy cơ bành trướng, tiếp tục đặt ra cho cộng đồng quốc tế những băn khoăn, lo lắng mới không dễ loại trừ… 
Hizbul Tahrir - nhóm khủng bố mới nổi
Ngày 24/11, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Afghanistan, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước này Abdullah Abdullah đã bày tỏ quan ngại về những hoạt động của nhóm khủng bố mới nổi “Hizbul Tahrir” và kêu gọi ngăn chặn các hoạt động của tổ chức này. “Một trong những vấn đề quan trọng mà chính phủ bỏ qua chính là hoạt động của tổ chức Hizbul Tahrir - một nhánh trong mạng lưới khủng bố tại Afghanistan”. 
Các nhóm phiến quân cực đoan - nổi bật là Taliban, IS và nhóm khủng bố cực đoan Hizb-e-Islami do Hekmatyar cầm đầu - vẫn tiếp tục hoạt động tại Afghanistan và phát động cuộc chiến chống chính phủ nhằm giành lấy chính quyền.

Đọc thêm