Kể chuyện “Hoàng tử bé” bằng ngôn ngữ nhạc giao hưởng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt Nam (12/4/1973-12/4/2023) đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày phát hành cuốn sách Hoàng tử bé (1973-2023) của tác giả Saint-Exupéry, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc lấy cảm hứng từ chính tác phẩm này.
Các đại biểu tham dự họp báo ngày 20/6.
Các đại biểu tham dự họp báo ngày 20/6.

Tại buổi họp báo chiều 20/6, nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng lừng danh người Pháp Marc-Olivier Dupin cho biết buổi trình diễn là sự kết hợp giữa âm nhạc, lời kể chuyện và mỹ thuật.

Tác phẩm âm nhạc này được Marc-Olivier Dupin sáng tác vào năm 2015, lấy cảm hứng từ cuốn truyện tranh chuyển thể cùng tên của nghệ sĩ truyện tranh Joann Sfar. Tuy nhiên, vào thời điểm đó nó chỉ là một phiên bản nhỏ với lời nói của người dẫn truyện, hình vẽ chiếu trên màn hình với sự tham gia của 4 nhạc cụ.

Theo ông, 240 hình vẽ minh họa được trình chiếu của Joann Sfar sẽ mang đến cho tác phẩm huyền thoại này “sắc thái hiện đại cùng một nguồn năng lượng tươi mới”, vừa có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của tác giả Saint-Exupéry tới khán giả.

Đối với ông, đây là tác phẩm dạy cho chúng ta về cách ứng xử và thái độ trước cái chết. “Điều tâm đắc nhất tôi cảm nhận trong tác phẩm là cách nhìn nhận, ứng xử của chúng ta với cái chết. Vấn đề và chiều kích khai thác về cái chết của câu chuyện rất hay khi có một khoảng lùi để có giác độ nhìn nhận về cái chết rất thông thái”, Marc-Olivier Dupin chia sẻ.

Theo Đại sứ Pháp Nicolas Warnery, tác phẩm không chỉ dành cho trẻ em mà hướng tới mọi lứa tuổi với những giá trị sâu sắc về các vấn đề trong cuộc sống.

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery phát biểu trong buổi họp báo.

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery phát biểu trong buổi họp báo.

Chia sẻ tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hải Vân cho biết, chương trình biểu diễn âm nhạc Hoàng tử bé là một hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.

“Bên cạnh ý nghĩa về kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao của hai nước, đây cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam thưởng thức tác phẩm văn học kinh điển được thể hiện đầy sáng tạo qua ngôn ngữ của kể chuyện, âm nhạc, mỹ thuật, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại và phần trình diễn của các nghệ sĩ hàng đầu”, bà Trần Hải Vân nói.

Theo Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam Trịnh Tùng Linh, chương trình biểu diễn Hoàng tử bé đặc biệt ở chỗ kết hợp trên sân khấu cùng lúc 3 loại hình. Trong quá trình luyện tập, các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp phải phối kết hợp chặt chẽ 3 loại hình này.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Chương trình biểu diễn âm nhạc Hoàng tử bé sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai ngày 23-24/6, có bán vé.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp Marc-Olivier Dupin, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn tác phẩm âm nhạc do chính ông sáng tác. Qua giọng kể của Hứa Thanh Tú bằng tiếng Pháp (có phụ đề tiếng Việt) và những hình ảnh đầy biểu cảm của Joann Sfar, bản giao hưởng sẽ mời gọi khán giả trở lại với những câu chuyện về tuổi thơ.

Trong phần đầu tiên của buổi biểu diễn, tiếng đàn violon của nghệ sĩ tài hoa Bùi Công Duy dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Tetsuji Honna sẽ đưa chúng ta khám phá tác phẩm Se chỉ luồn kim - bài dân ca nổi tiếng của Việt Nam qua phần phối khí của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng.

Sau đó, hai tác phẩm kinh điển của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp là tác phẩm L'Introduction et Rondo capriccioso cung la thứ, op.28 của Camille Saint-Saëns và Khúc suy tưởng trích từ vở opera Thaïs của Jules Massenet.

Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry là tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới và là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất sau Kinh Thánh và Kinh Koran. Cuốn sách này đã được dịch sang hơn 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới.


Đọc thêm