Kê khai tài sản còn hình thức, “làm khó” cho việc thu hồi?

(PLO) - Cho rằng nỗ lực xử lý tội phạm tham nhũng nhiều nhưng kết quả còn khiêm tốn, nhiều chuyên gia dự Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng – kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam” đề nghị “phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và cơ chế thi hành pháp luật hiệu quả, không khoan nhượng, triệt để đối với tội phạm tham nhũng”.
Kê khai tài sản còn hình thức, “làm khó” cho việc thu hồi?
Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng - kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng cho Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng qua (3/7) tại Hà Nội.
Tha hồ tẩu tán tài sản
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận xét, một trong những điểm làm yếu nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) là việc thu hồi tài sản bị tham nhũng. Năm 2014, tỷ lệ thu hồi tài sản bị tham nhũng có chuyển biến nhưng cũng mới khoảng 22%, nghĩa là gần 80% tài sản bị tham nhũng chưa được thu hồi.
Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, tội phạm hóa hành vi “làm giàu bất chính” là cách để thực hiện chiến lược thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi tài sản có thể dựa vào các chế tài mang tính kinh tế như phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại… Nhưng để làm được điều đó, cần có cơ chế kiểm soát tài sản trước, trong và sau khi xử lý tội phạm tham nhũng. 
GS.Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, dù xử lý nghiêm khắc tội phạm nhưng không có khả năng thu hồi tài sản là vấn đề lớn”.
Theo ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, biện pháp kê khai tài sản hiện còn mang tính hình thức vì phát hiện tham nhũng qua kê khai không đáng kể, cũng như “làm khó” cho việc thu hồi tài sản bị tham nhũng.
Người dân không tố cáo, khó “tìm” được tham nhũng
Nếu ví PCTN như “kiềng 3 chân” gồm các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân thì việc người dân thờ ơ sẽ khiến “kiềng” không đứng vững. Đại diện UNDP tại Việt Nam nhận thấy, thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng vào PCTN là rất quan trọng. Ông Takeshi Matsumoto - Chuyên gia JICA chia sẻ, sự ủng hộ của người dân là một trong những yếu tố giúp Nhật Bản thành công trong việc điều tra một số chính trị gia, quan chức cấp cao, thu hồi tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, qua nhiều khảo sát đều cho thấy, người dân chưa nhiệt thành tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng vì lý do cơ bản là “sợ trả thù, sợ quyền lợi bị ảnh hưởng”, do pháp luật về PCTN đang thiếu một cơ chế bảo vệ người làm chứng và người tố giác tham nhũng. 
Vì vậy, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: “Cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người làm chứng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng”. 
Nhiều chuyên gia đề nghị phải có những qui định cụ thể về đối tượng được bảo vệ, thời hạn bảo vệ, quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ… giúp người tố cáo hoặc làm chứng trong các vụ án tham nhũng yên tâm, củng cố thêm cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng.
Cơ quan phòng chống tham nhũng phải “độc lập và rất mạnh”
Trong “cơ cấu” của cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng thì “sức mạnh” của các cơ quan PCTN được nhiều chuyên gia quốc tế lưu tâm. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, cơ quan điều tra “độc lập và rất mạnh”, là công cụ PCTN hiệu quả 
Theo các chuyên gia của UNDP, hiệu quả PCTN không chỉ là hình phạt tiền hay tù mà quan trọng là tăng nguy cơ bị phát hiện của chủ thể có khả năng tham nhũng vì “nếu người có ý định tham nhũng nghĩ đến khả năng bị phát hiện, bị bắt lớn thì họ sẽ giảm khả năng tham nhũng. Nếu ngược lại thì họ sẽ liều lĩnh hơn”.

Đọc thêm