Kê khai tài sản, thu nhập: Có nên công khai tại nơi cư trú?

(PLVN) -Bản kê khai tài sản, thu nhập có nên công khai tại nơi cư trú hay chỉ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc? Đây là hai luồng ý kiến khác nhau khi Thanh tra Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Từ Phó trưởng phòng trở lên phải kê khai

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), có hiệu lực từ  01 tháng 7 năm 2019 giao Chính phủ quy định Người phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm không giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên nhưng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. 

Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể 13 ngạch công chức các cấp phải kê khai hàng năm và những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,4 trở lên làm một số công tác nhất định phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Những người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp khác cũng thuộc đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm. Do có đặc thù nên những người thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên có phụ cấp chức vụ từ 0,5 trở lên làm một số công tác nhất định mới phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Luật PCTN quy định Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước, do đó để việc thi hành Luật được thuận lợi, Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể việc Thanh tra Chính phủ tiếp nhận Bản kê khai của những người có phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập….

Công khai bằng hình thức niêm yết 30 ngày

Luật PCTN giao Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc, công khai Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo Nghị định đã quy định việc công khai bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc. Thời điểm công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao Bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền. Thời gian niêm yết là 30 ngày. 

Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được công khai bằng hình thức công bố và niêm yết tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người dự kiến bổ nhiệm, bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công bố và niêm yết tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ cho biết,  loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì còn phải “gửi bản kê khai đến Ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố và niêm yết tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố”.

 Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật PCTN chưa quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú nên Nghị định chỉ quy định về hình thức công khai ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và khi việc bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng phạm vi Luật PCTN giao Chính phủ quy định chi tiết. Dự thảo hiện đang thực hiện theo loại ý kiến này.

 Bên cạnh đó, theo quy định của Luật PCTN, ngoài việc xác minh ngẫu nhiên hàng năm thì việc xác minh còn được tiến hành trong nhiều trường hợp khác như: có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc…. Do đó, Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm chỉ tập trung vào đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận, Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên… 

Đọc thêm