Kẻ khóc, người cười khi giá dầu lập 'đỉnh'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đa số doanh nghiệp dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều được hưởng lợi khi giá dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoặc không hưởng lợi. Đáng nói, việc giá dầu tăng cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro trong dài hạn.
PV GAS, PVEP và Vietsovpetro là những đơn vị hưởng lợi do giá dầu lên.
PV GAS, PVEP và Vietsovpetro là những đơn vị hưởng lợi do giá dầu lên.

Ai lợi nhất?

Hiện nay, giá dầu thế giới đang ở quanh mức 120 USD/thùng - mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Riêng tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 60%. Việc tăng giá dầu thế giới đã có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp thuộc PVN.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch PVN nhận định, việc giá dầu thế giới lên mức giá cao là cơ hội cần được PVN và các đơn vị tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc.

Còn ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam thì cho biết, việc giá dầu lên cao, nhìn chung, toàn PVN là đơn vị hưởng lợi. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp trong PVN có thể được hưởng lợi khác nhau; cá biệt có thể có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo ông Thập, những doanh nghiệp khai thác và kinh doanh dầu thô, khí như Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Liên danh Vietsovpetro, Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) sẽ trực tiếp được hưởng lợi nhiều nhất. Các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dầu thô như ngành lọc hoá dầu cũng sẽ “ăn nên làm ra”. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh dịch vụ dầu khí như vận tải dầu khí, chế biến dầu khí, kỹ thuật dầu khí… đều được hưởng lợi khi giá dầu cao tăng.

Với hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, ông Thập cho biết, hiện nay giá phân bón đang ở mức tương đối cao nên việc kinh doanh của hai đơn vị này gặp thuận lợi. Đạm Phú Mỹ có khả năng tự cung cấp nguyên liệu đầu vào tương đối tốt từ nguồn khí Cửu Long và một phần khí Nam Côn Sơn nên thuận lợi khi không phải nhậu khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào. Còn Đạm Cà Mau phải mua khí từ khu vực phát triển chung Việt Nam - Malaysia, đồng thời cũng mua khí của Malaysia theo giá thị trường nên mức độ hưởng lợi so với Đạm Phú Mỹ là ít hơn.

Liên quan đến kinh doanh xăng dầu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), theo ông Nguyễn Quốc Thập, đơn vị này sẽ được hưởng lợi khi mà chu kỳ giá dầu thế giới vẫn cứ lên. Tuy nhiên, nếu vào chu kỳ giá dầu xuống thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PV OIL sẽ bị ảnh hưởng, bởi đầu vào cao nhưng đầu ra thấp.

Việc giá dầu cao kỷ lục lại có những đơn vị có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, các doanh nghiệp dịch vụ khoan dầu khí, xây lắp dầu khí. Đây là những đơn vị có hợp đồng đã ký từ trước, họ chỉ thu về được theo những điều khoản cũ, trong khi chi phí hàng ngày thì phải trả với giá thị trường. Doanh nghiệp sản xuất điện của PVN là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV POWER) cũng có thể cũng bị ảnh hưởng bởi đơn vị này có nhiều nhà máy sản xuất điện từ khí. Khi giá khí tăng cao, chi phí đầu vào cao trong khi giá bán điện không đổi.

PVN giao ban sản xuất, kinh doanh với các đơn vị trực thuộc Tập đoàn

PVN giao ban sản xuất, kinh doanh với các đơn vị trực thuộc Tập đoàn

Tăng cường dự báo...

Đánh giá về tác động của giá dầu lên cao, PVN cho rằng, mặc dù giá dầu tăng sẽ hỗ trợ cho hoạt động dầu khí nhưng cũng đem lại rủi ro do thị trường biến động nhanh, khó dự báo; chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Ở khâu thượng nguồn của công nghiệp dầu khí, ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP - cho biết, ngoài thuận lợi trong ngắn hạn khi giá dầu tăng, thì rủi ro sắp tới có thể lớn, khó dự báo về lạm phát, chi phí tăng, bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ giảm sút,.., sẽ ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Để chủ động hơn trước mọi tình huống, PVEP đã có những kế hoạch sản xuất phù hợp, rà soát danh mục đầu tư, nhằm đáp ứng trước các biến động của thị trường, dự phòng rủi ro cũng như tận dụng những cơ hội hiện đang có.

Đánh giá tổng thể, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN cho rằng, thời gian qua, nhờ giá dầu tốt mà Tập đoàn đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh tổng thể khá toàn diện, hoàn thành vượt mức cao kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong tháng 2/2022, nhờ đón đầu cơ hội, Tập đoàn tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kết quả, tổng doanh thu đơn vị này trong tháng 2/2022 ước đạt 54.980 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch tháng. Ngoài ra, các sản phẩm chiến lược của PVN như dầu thô, xăng dầu, khí, LPG, điện, đạm... vẫn hoạt động sản xuất tốt, đảm bảo duy trì cung ứng.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, trong thời gian tới các đơn vị trong PVN cần tiếp tục cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine để điều hành kịp thời với thực tiễn; Cập nhật, dự báo tình hình thị trường về giá cả, cung - cầu, tồn kho với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả.

Đọc thêm