Đã tật nguyền còn bị lừa đảo
Khoảng 15h ngày 20/5/2016, một người đàn ông trạc 50 tuổi, dáng người to cao, đeo khẩu trang, đi xe mô tô đến chỗ anh Nguyễn Văn Cầu (SN 1983, ngụ xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) bán vé số. Ông ta nhờ anh Cầu dò vé số của đài Quảng Bình, xổ ngày 19/5/2016. Sau khi dò, anh Cầu phát hiện người đàn ông này có một vé trúng giải tư, số 04123.
Cũng như những người trúng số khác, người đàn ông đề nghị anh Cầu đổi vé trúng thưởng giúp ông ta. Vì vé trúng thưởng trị giá 2.500.000 đồng và khách hàng mua 25 tờ vé số nên anh Cầu đưa lại cho người đàn ông này 2.250.000 đồng.
Sau khi người đàn ông này đi khỏi, một người phụ nữ bán vé số gần đấy tên là Nguyễn Thị Sương nói với anh Cầu: “Sao anh đổi vé số làm chi vậy, có mấy vụ lừa đổi vé số trúng thưởng giả đó”.
Nghe đồng nghiệp cảnh báo, anh Cầu kiểm tra lại tờ vé số thì không phát hiện điều gì bất thường. Để “chắc ăn”, anh Cầu cùng chị Sương cầm tờ vé số vào Công ty xổ số kiến thiết Quảng Nam nhờ nhân viên xem giúp nhưng không ai thấy gì khác lạ.
Đến chiều, anh Cầu gửi tờ vé số lên đại lý cấp hai. Sau khi kiểm tra các vé trúng thưởng, đại lý cấp hai chuyển vé trúng thưởng về đại lý cấp một.
Sang ngày hôm sau, cũng tầm 15h, một người đàn ông to cao, đeo khẩu trang, đi xe máy màu xanh đến đề nghị anh Cầu đổi cho anh ta một tờ vé số trúng thưởng giải Tư. Nghe nhiều người cảnh báo chuyện lừa đảo và thấy người đàn ông này giống người đàn ông đổi vé trúng thưởng hôm qua nên anh Cầu nghi ngờ.
Lấy lý do không có đủ tiền để đổi, anh Cầu từ chối. Người đàn ông chạy xe tiếp một đoạn khoảng 50m, dừng lại chỗ chị Nguyễn Thị Thu Hà bán vé số. Thấy thế, anh Cầu định chạy xe đến chỗ chị Hà để ngăn cản chị Hà đổi vé nhưng đúng lúc ấy, một khách hàng đến mua vé số và vướng một chiếc xe ô tô khác nên anh Cầu đã chậm chân.
Chị Hà kể, khi người đàn ông đó ngỏ ý đổi vé trúng thưởng, chị không mảy may nghi ngờ và lấy hết số tiền trong túi để đưa cho ông ta, gồm 2.140.000 đồng và 36 tờ vé mà ông này mua. Sau khi người đàn ông này đi, anh Cầu đến nói những nghi ngờ của mình thì chị Hà mới giật mình.
Tuy nhiên, kiểm tra tờ vé số, chị không phát hiện điều gì khả nghi. Khi đưa tờ vé số trúng thưởng cho đại lý cấp hai, chị có nói chuyện vé số trúng thưởng giả và nhờ họ kiểm tra nhưng mọi người đều khẳng định đó là tờ vé số thật. Một tuần sau, anh Cầu được đại lý vé số thông báo, tờ vé số trúng thưởng mà anh chuyển cho đại lý là tờ vé số giả. Hai tuần sau đó, chị Hà cũng nhận thông tin tương tự.
Anh Nguyễn Văn Cầu, một trong những nạn nhân của Chín. |
Kẻ táng tận lương tâm
Theo thông tin chúng tôi được biết, không chỉ riêng anh Cầu và chị Hà, đã có rất nhiều người bán vé số rơi vào bẫy lừa đảo bằng hình thức đổi vé số trúng thưởng này. Điều xót xa nhất, hầu hết các nạn nhân là những người khuyết tật và số tiền bị mất là số tiền lớn đối với họ. Sau khi biết mình bị lừa, cả anh Cầu và chị Hà đều mất ăn mất ngủ.
Anh Cầu tâm sự: “Tôi bị khuyết tật khi mới 16 tháng, do bị sốt bại liệt. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi đã cố gắng lao động. Những người tàn tật như chúng tôi, đi bán vé số gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi mưa bão, xe hư hỏng... Vậy mà có người lại nỡ lừa đảo chúng tôi.
Từ hôm xảy ra sự việc đến nay, tôi rất buồn. Tôi mong cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc và cho chúng tôi nhận lại số tiền đã bị thiệt hại”.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, chỉ một tháng sau, Công an TP. Tam Kỳ đã xác định được gã đàn ông “nhiều lần trúng thưởng”. Ông ta tên là Nguyễn Văn Chín, SN 1972, ngụ thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn. Đến ngày 21/7, Chín bị Công an TP. Tam Kỳ khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo.
Theo kết quả điều tra, hàng ngày, Chín mua nhiều tờ vé số. Sau khi dò, Chín chọn ra tờ vé số có dãy số dự thưởng gần giống với số trúng thưởng giải Tư. Tiếp đó, Chín dùng lưỡi lam cạo mờ những con số và chữ số sai của tờ vé số này.
Sau đấy, ông ta cắt lấy con số và chữ số của tờ vé số khác dán vào con số, chữ số đã bị cạo mờ để tạo ra tờ vé số có dãy số đúng như kết quả xổ số đã được công bố.
Sau khi có tờ vé số “trúng thưởng” trên tay, Chín đóng vai người đi dò vé số. Nhận mình trúng thưởng, Chín đề nghị những người bán vé số “đổi vé số trúng”. Sau phi vụ đầu tiên, thấy việc lừa đảo dễ dàng nên Chín càng ngày càng ranh ma và thủ đoạn cắt dán, làm giả vé số trúng thưởng ngày càng tinh vi. Để không bị phát hiện, ông ta luôn đeo kín khẩu trang và thường xuyên thay đổi xe máy.
Không những thế, tên lừa đảo thường nhắm đến những người bán vé số già, tàn tật, bởi họ sẽ khó truy đuổi được hắn. Chín khai, hắn chọn giải Tư để làm vé trúng thưởng giả, bởi giải Tư chỉ có vài con số, giá trị ít nên bất kỳ người bán vé số dạo nào cũng có thể đổi tiền thưởng.
Nếu chọn giải nhiều tiền hơn, những người bán vé số sẽ không đủ tiền để đổi, còn đến đại lý đổi thì Chín sợ bị lộ.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Chín đã thực hiện trót lọt 6 vụ dùng vé số trúng thưởng giả trên địa bàn TP. Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn để lừa đổi tiền thưởng với tổng số tiền 15 triệu đồng.
Theo tìm hiểu được biết, trước đây Chín làm thợ hồ. Sau đó nhờ một người quen giới thiệu, Chín làm bảo vệ cho các công trình xây dựng. Vì công việc ở xa nhà nên Chín thuê một nhà trọ trên đường Hoàng Văn Phái, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) để ở. Thỉnh thoảng, Chín mới về thăm nhà. Thời gian gần đây, việc bảo vệ không thuận lợi, việc thợ hồ thì vất vả nên Chín đổi sang nghề... lừa đảo.
Những người thân của Chín chia sẻ, chuyện Chín lừa đảo họ không hề hay biết. Bà Huỳnh Thị Tám (SN 1972, vợ Chín) buồn rầu kể, sáng ngày 8/7/2016, bà đang ở nhà thì một người tên Phong (làm chung với Chín) gọi về báo tin, chồng bà bị Công an TP. Đà Nẵng bắt.
Quá hoảng loạn bà cùng con trai là Nguyễn Văn Ngàn (SN 1995) chạy ra Đà Nẵng nhưng không gặp chồng, bởi Chín đã được di lý về Công an TP. Tam Kỳ.
“Nhà tôi không giàu có gì nhưng cũng đâu đến nỗi nào mà ông ấy phải đi lừa đảo. Khi nghe tin ông ấy bị công an bắt, tôi rất bàng hoàng. Bây giờ, ổng bị khởi tố rồi, tôi lo lắng lắm”.
Ngày 9/7, bà Tám tất tả xin bảo lãnh cho chồng về. Sau khi về nhà được 3 ngày, ông Chín bị Công an Tam Kỳ triệu tập và sau đó khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng để điều tra.
Anh Ngàn cho hay, xe máy mà ông Chín dùng làm phương tiện gây án đang bị công an tạm giữ là xe của vợ anh. Sau khi biết ông Chín làm chuyện xằng bậy, gia đình anh đã chạy vay được 15 triệu đồng và nộp cho cơ quan chức năng để bồi thường cho những người bị hại.
“Tôi không nghĩ ba tôi lại làm như vậy. Nghe tin ba bị bắt, gia đình tôi rất sốc”. Hy vọng, ông Chín thấu được nỗi lòng của người thân để làm lại cuộc đời.
Ông Phạm Đình Hóa, Phó Trưởng công an xã Điện Hồng cho biết, ông Chín có một tiền án trộm cắp tài sản vào năm 1993. Sau khi mãn hạn tù đến nay, ông Chín không rượu chè, cờ bạc nên người dân địa phương tin tưởng Chín đã tu tâm dưỡng tính. Vì thế, khi nghe tin Chín phạm pháp, ai nấy đều rất bất ngờ.