Ken chặt 'lưới an toàn' để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

(PLVN) - Một trong những vấn đề nổi cộm trong năm 2024 là sự gia tăng của tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em. Toàn quốc ghi nhận 381 vụ việc, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Hình minh họa: ST

Nhiều vụ livestream khiêu dâm với trẻ dưới 16 tuổi

Đầu tháng 5/2024, Công an thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu phát hiện một số đối tượng (có người Trung Quốc) có hành vi tổ chức livestream (phát trực tiếp) hoạt động khiêu dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm để thu lợi bất chính qua ứng dụng QQlive (một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc). Nhận định đây là hoạt động tội phạm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy xuyên quốc gia trên không gian mạng, Ban Giám đốc Công an Lai Châu cho xác lập Chuyên án trinh sát 0524V. Sau 5 ngày xác minh, vào 20 giờ 20 phút ngày 27/5/2024, Công an thành phố Lai Châu chủ trì phối hợp các phòng chức năng, Công an tỉnh Lai Châu đột kích vào tầng 5, khách sạn Bảo An (tổ 12, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) bắt quả tang tại phòng 501 nhóm 9 đối tượng nam, nữ đang có hành vi khiêu dâm phát trực tiếp trên ứng dụng QQlive (trong 9 đối tượng có một bé gái 14 tuổi, đang mang thai).

Ngày 10/4/2024, Phạm Huỳnh Nhật Vi, 21 tuổi, bị khởi tố với cáo buộc bắt cóc 2 bé gái trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM đưa về căn hộ cao cấp của mình để quay video khiêu dâm gửi cho người nước ngoài. Theo cơ quan điều tra, Vi khai đưa 2 bé gái 3 và 7 tuổi về nhà “để nuôi” nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy mục đích của bị can là quay video mang tính chất khiêu dâm, gửi ra nước ngoài cho những kẻ ấu dâm. Tại căn hộ tại chung cư Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, do một người đàn ông nước ngoài vừa thuê cho Vi ở, công an phát hiện nhiều video mang tính khiêu dâm, được đặt hàng từ phía nước ngoài...

Theo dõi vụ việc của Phạm Huỳnh Nhật Vi, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trao đổi với truyền thông cho biết: “Bộ luật Hình sự có quy định về Tội sử dụng người dưới 16 tuổi (trẻ em) vào mục đích khiêu dâm, Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, người thực hiện liền một lúc cả 2 hành vi này thì “xưa nay hiếm”. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, là hình thức phạm tội mới, nguy hiểm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật nên cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”.

Thượng tá Trịnh Kim Vân - nguyên Điều tra viên cao cấp, Công an Hà Nội đánh giá việc lợi dụng, biến trẻ em thành công cụ trục lợi là hành vi đáng lên án. Trả lời báo chí sau vụ việc ở Lai Châu, theo ông, việc Công an thành phố Lai Châu điều tra, khám phá vụ án này là một thành công lớn. Nếu không làm tốt công tác nghiệp vụ và tổ chức truy bắt ngay với loại tội phạm công nghệ cao thì chúng chỉ trong tích tắc đã xóa hết dấu vết. Sự phát triển của Intenet bên cạnh mặt tích cực là đem nhiều lợi ích cho con người nhưng ngược lại cũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Loại tội phạm này luôn biết cách khai thác các mảng tối cho chúng sử dụng, mục đích chính của nhóm tội phạm là trục lợi, là kiếm tiền, điển hình là các hành vi lừa đảo, khủng bố, cờ bạc… Vì vậy, việc triệt phá các chuyên án liên quan loại tội phạm này đòi hỏi người chỉ huy và các chiến sĩ tham gia chuyên án phải giỏi nghiệp vụ chuyên môn và có tính kỷ luật cao. Có như vậy thì công tác khám phá chuyên án mới đạt được thành công, thắng lợi. Để hạn chế loại tội phạm này cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông, tuyên truyền những thủ đoạn của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao vào những mục đích xấu. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần có những buổi tọa đàm cho các cháu biết để cảnh giác và qua đó tố cáo những hành vi phạm tội của chúng, theo Thượng tá Trịnh Kim Vân.

Tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp

Theo Bộ Công an, năm 2024, toàn quốc đã khởi tố 2.361 vụ án xâm hại trẻ em, với 2.931 đối tượng bị xử lý. Trong đó, các vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất, với 1.927 vụ, liên quan đến 2.106 đối tượng và 1.960 nạn nhân. So với năm 2023, số vụ án đã giảm 5,5%, cho thấy hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là các vụ việc xảy ra trong gia đình hoặc do người quen biết gây ra, chiếm hơn 60% số vụ. Nổi lên là các vụ việc trẻ em bị bạo lực, bạo hành do người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (có giấy phép và không giấy phép) với số lượng trẻ em được chăm sóc vượt quá số lượng quy định (nhức nhối nhất là vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, quận 12, TP HCM, đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can và hỗ trợ chăm sóc 86 trẻ em dưới 6 tuổi).

Nguồn: mic.gov.vn

Một trong những vấn đề nổi cộm trong năm 2024 là sự gia tăng của tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em. Toàn quốc ghi nhận 381 vụ việc, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023, điển hình là vụ việc tại tỉnh Lai Châu nói trên. Ngoài ra, tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi vẫn xảy ra 20 vụ, 75 đối tượng, xâm hại 53 trẻ em, chiếm 0,8% số vụ; phát hiện vụ việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2024 cũng là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác phòng ngừa, điều tra và xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Đầu năm, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã chỉ đạo: “Cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em”. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, sử dụng chất kích thích...

Phó Thủ tướng cũng ký ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/1/2024 về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 14/10/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; lực lượng công an các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, góp phần tạo niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi và tương lai của thế hệ trẻ.

Một trong những yếu tố then chốt giúp công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II là một sáng kiến quan trọng, giúp trẻ em có cơ hội tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến chính các em…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công an, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm xâm hại trẻ em vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em. Năm 2025, ngành Công an sẽ triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng theo Quyết định 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; kết nối và huy động chuyên gia công nghệ tin học, tình nguyện viên mạng lưới ứng cứu trẻ em trên không gian mạng; bóc gỡ, cảnh báo tin, bài, trang web nội dung xấu ảnh hưởng đến trẻ em, kịp thời thông tin vụ việc xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, Quy chế phối hợp liên Bộ số 01/QCPH giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn tình trạng trẻ em bị lợi dụng, bóc lột, đặc biệt là trong các ngành nghề có nguy cơ cao như lao động nặng nhọc, độc hại.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm. Từ ngày 31/3/2025, Singapore sẽ triển khai Bộ quy tắc mới yêu cầu các cửa hàng ứng dụng phải kiểm tra độ tuổi của người dùng trước khi họ tải xuống các ứng dụng dành cho người lớn. Quy định này nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại như nội dung khiêu dâm, bạo lực, hoặc liên quan đến tự làm hại bản thân và bắt nạt trên mạng. Các cửa hàng ứng dụng cũng phải có tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng và đảm bảo thực thi nghiêm ngặt đối với các nhà phát triển ứng dụng.

Tại Việt Nam, tháng 12/2024, Cục An toàn thông tin đã cập nhật và ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Bộ cẩm nang này là một giải pháp quan trọng, nhằm triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Phiên bản mới không chỉ cập nhật những rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em mà còn cung cấp các công cụ, giải pháp thiết thực, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ phụ huynh đồng hành cùng con an toàn trên Internet. Các phụ huynh, giáo viên và những người quan tâm có thể xem phiên bản mới Bộ cẩm nang này tại mục tài liệu trên trang web của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại địa chỉ https://vn-cop.vn/.

Đọc thêm