Xử phạt trong Hoàng Việt hình luật
Trong thời kỳ Pháp thuộc, sự chia rẽ ba xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ với ba chế độ khác nhau dẫn đến sự phân hóa trong hệ thống pháp luật nước ta. Những hình phạt nghiêm khắc về vi phạm an toàn giao thông đã xuất hiện từ thời nhà Nguyễn trong Hoàng Việt hình luật. Những chế tài đó đã bắt đầu hình thành văn hóa tham gia giao thông của người Việt trong bối cảnh đất nước tiếp nhận văn hóa phương Tây, giao thông đã phát triển với tàu hỏa, xe hơi, xe đạp, xe kéo…
Cụ thể, ở xứ bảo hộ Trung kỳ, từ năm 1933, bộ luật hình sự được áp dụng là Hoàng Việt hình luật gồm 424 điều, 29 chương được ban hành với nghị định của Toàn quyền Đông Dương và chỉ dụ của Bảo Đại. Là bộ luật hình sự mang tính chất nửa thực dân, nửa phong kiến, Hoàng Việt hình luật là công cụ pháp lý đắc lực bảo vệ quyền lợi của thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn. Không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, mà xét ở góc độ khoa học, một số chế định trong bộ luật này còn có giá trị tham khảo, phục vụ cho hoạt động lập pháp hình sự hiện đại.
Liên quan đến các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, Điều 418 Hoàng Việt hình luật quy định phạt bạc hoặc phạt giam từ 1 ngày đến 10 ngày với các hành vi như: say rượu đi rong; trái với lệ định thuộc về trọng tải, tốc lực và đường lối xe chạy (bao gồm: sự kiên cố của xe cho thuê; trọng lực của xe; cách xếp hàng trong xe; số hành khách và cách giữ gìn cho hành khách khỏi nguy hiểm; trong xe phải niêm yết rõ bao nhiêu chỗ ngồi và giá tiền chỗ ngồi; xe phải viết rõ tên họ người chủ có xe…); không coi giữ, mà thả súc vật chạy bậy ra ngoài đường cái làm trở ngại sự đi lại của người ta; bỏ, phóng vật gì ngổn ngang ra ngoài đường, làm khó khăn hay nguy hiểm cho sự người ta đi lại; ban đêm không thắp đèn báo hiệu ở nơi tạm để vật liệu và nơi đào đất thành hố ở trên đường cái, phố xá và các thứ xe cộ đi đêm trên đường quan không chịu thắp đèn; bỏ ngoài phố xá, đường cái, công viên, chỗ công chúng đi lại, hay ngoài đồng, những lưỡi cày, răng bừa, kềm cặp, thanh sắt, rào sắt hay là cơ khí, khí giới để kẻ gian nhân có thể lợi dụng để làm bậy được…
Ngoài ra, luật còn có quy định chặt chẽ trong việc bảo vệ đường sá, đê điều, có thể phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm, nặng hơn là khổ sai chung thân như trong các quy định về hành vi đốt cháy vì cố ý hay sơ ý phá hoại nhà cửa và những tài sản khác…
Giá trị của Hoàng Việt hình luật
Từ thời kỳ độc lập tự chủ, nhất là từ thời nhà Lý, luật pháp được coi trọng, năm 1042, nhà Lý đã cho biên soạn và ban hành Bộ luật Hình thư. Đây có thể xem là bộ luật thành văn đầu tiên của Nhà nước quân chủ Việt Nam. Bộ Hình thư ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó. Kế tiếp nhà Lý là nhà Trần khi cai quản đất nước, triều đình cũng cho san định sách Hình thư, song đến nay đều không còn.
![]() |
Sang thời Lê sơ, thế kỷ XV, thời kỳ hưng thịnh nhất của thể chế quân chủ phong kiến, nhất là dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Vị vua này cho biên soạn bộ luật có tên Quốc triều hình luật, gọi là luật Hồng Đức được thi hành rộng rãi. Đây là bộ luật đầy đủ và sớm nhất còn lại ở Việt Nam, là tập đại thành của nền pháp luật thời Lê, trở thành khuôn mẫu cho những bộ luật sau này châm chước biên soạn. Bộ luật bao gồm những điều luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng.
Thời Mạc thế kỷ XVI, có Bộ luật Hồng Đức thiện chính thư được biên soạn trên cơ sở kế thừa những điều luật từ thời Hồng Đức. Bộ luật có giá trị nhất định phản ánh các hoạt động pháp chế trong suốt thời kỳ nhà Mạc, nhất là các điều luật về hộ hôn và điền sản. Thời Lê Trịnh có bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được san định và thực thi dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782). Tiếp nối các bộ thời Lê là bộ luật thời Nguyễn được biên soạn dưới đời Vua Gia Long, có tên là Hoàng Việt luật lệ, thường được gọi là Luật Gia Long.
Hoàng Việt luật lệ là một trong hai bộ luật lớn nhất của Việt Nam, cũng là bộ luật hoàn chỉnh nhất xét trên phương diện lập pháp. Hoàng Việt luật lệ gồm 22 quyển 398 điều, tập hợp các điều luật, rất rõ ràng và phong phú. Trong khi bộ Quốc triều Hình luật thời Lê Sơ phân chia các chương mục chưa hoàn toàn thống nhất, thì bộ Hoàng Việt luật lệ được phân chia khá nhất quán lấy cơ sở công việc của Lục bộ ban hành điều luật và xét xử. Bộ luật này được thực thi trong các đời vua nhà Nguyễn đến những năm đầu thế kỷ XX thì bị thay thế bởi bộ Hoàng Việt hình luật do chính quyền bảo hộ Pháp tại Việt Nam ban hành.
Hoàng Việt hình luật có tên gọi bằng tiếng Pháp là Code penal l’Annam được in vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933), do Trung Kỳ Thừa Thiên Đắc Lập ấn quán xuất bản, Huế 1933. Sách hiện được lưu giữ tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
![]() |
Dụ ban bố Hoàng Việt tân định hình luật ngày 11/5 nhuận năm Bảo Đại thứ 8 viết rõ: “Hiện bây giờ việc học mở mang, xã hội cần phải sắp đặt theo lối mới, mà việc thẩm phán ngày lại thêm nhiều, vì những lẽ ấy, nên cần phải xét trong điều lệ cũ, điều gì đáng giữ thời biên chép lại cho giản tiện và tham chước theo thể thức mới, chọn những điều gì hợp với tình thế hiện thời để sửa định bộ luật lại. Vì muốn cho hiệp theo mục đích nói trên ấy nên ta đã truyền xuống sửa định một bộ luật hình mới. Nay ta đã làm bộ luật mới này, chắc rằng đúng với sự cần thiết của quốc dân. Vậy chuẩn cho ban bố, tự nay về sau, thuộc về địa hạt Trung kỳ chỉ chiếu theo các điều khoản trong bộ luật mới này mà thi hành”.
Giáo sư Định Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận định về Hoàng Việt hình luật: “Phần điều khoản mở đầu của bộ luật này tuy cố giải thích là dựa vào Bộ luật Gia Long triều Nguyễn “Các thể lệ trong Bộ luật này đều trích lấy ở trong luật Gia Long và giữ theo những điều lưu truyền của nước Nam, chỉ châm chước sửa sang lại”, nhưng thực tế lại dựa vào Bộ luật Canh cải năm 1912 thực thi ở Nam kỳ. Bộ luật Canh cải thì lại chịu ảnh hưởng nặng nề bộ luật hình sự Pháp năm 1810. Vì thế, về bản chất, bộ Hoàng Việt hình luật là công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn. Vì ảnh hưởng của luật phương Tây, nên một số quy định về hình phạt trong Hoàng Việt hình luật được bổ sung quy định về quyền của người làm chứng, đồng thời áp dụng nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự”.
Chính sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục có ghi chép một chuyện về hành vi “vi phạm trật tự giao thông” dẫn đến chết người đã bị xử lý nghiêm khắc. Theo đó, vào một đêm tháng 11 năm Ất Mùi (1835) Hoàng tử Miên Phú (tính tình ngang bướng, hay chơi bời) cùng một số thuộc hạ đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Được một lúc thì vị Hoàng tử này về trước, nhưng đám thuộc hạ thì vẫn tiếp tục cho ngựa chạy thi. Một bà lão đi đường tránh không kịp bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết. Được tin báo, Vua Minh Mạng lập tức sai triều thần điều tra. Mặc dù không trực tiếp gây ra cái chết của bà lão nhưng Miên Phú bị vua trách mắng nặng nề. Sau đó, Minh Mạng sai tước hết áo mũ của Miên Phú, cắt hết lương bổng hàng năm, bắt đóng cửa ở trong nhà để tự sửa lỗi, không cho dự vào hàng các hoàng tử, lại còn phải bồi thường 200 lạng bạc cho gia đình người bị chết. Riêng Hoàng Văn Vân bị xử chém sau khi hết hạn tạm giam. Những thuộc hạ khác của Miên Phú có tham gia vào cuộc đua ngựa đều bị đi đày nơi xa, khi đến nơi lưu đày còn bị đánh 100 gậy.