Tìm lối đi cho những miền đô thị xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên con đường phát triển kinh tế xanh, Net Zero không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mạng của các doanh nghiệp và là chiến lược của các vùng kinh tế trọng điểm...
Huyện Côn Đảo đang làm hết mình để giữ màu xanh tự nhiên. (Ảnh: Fanpage Côn Đảo)
Huyện Côn Đảo đang làm hết mình để giữ màu xanh tự nhiên. (Ảnh: Fanpage Côn Đảo)

Không chỉ là ưu tiên mà là mệnh lệnh cấp bách

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt với định hướng phát triển xanh, nền kinh tế xanh trong khu vực. Thành phố đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lụt đô thị, hạn hán, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Cần Thơ đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí metan, lồng ghép giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vào các ngành, lĩnh vực sản xuất. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao đe dọa các vùng đồng bằng và hàng triệu người dân sinh sống. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển bền vững. Cam kết Net Zero là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững. Là quốc gia đặt tham vọng lớn trong chiến lược Net Zero tại châu Á, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. Do vậy, việc giảm phát thải không chỉ là một ưu tiên mà còn là một mệnh lệnh cấp bách của cả quốc gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cần Thơ xác định sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng người dân là yếu tố then chốt cần được đẩy mạnh. Năm 2023, Chỉ số Xanh (PGI) của thành phố Cần Thơ xếp thứ 17 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2022. Mới đây, trong khuôn khổ chương trình OPCC 2023 - 2024 nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới (05/6), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố và trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2024 cho thành phố Cần Thơ vì những nỗ lực không ngừng nghỉ mà người dân và chính quyền thành phố đã đạt được.

Với vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhân rộng các mô hình tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng tuần hoàn, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản địa phương, góp phần khẳng định vị thế không chỉ của Cần Thơ, mà còn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ nông nghiệp xanh quốc gia và quốc tế.

Ông Dương Tấn Hiển thông tin, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho biết việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cho rằng địa phương đã chủ động dựa trên khoa học công nghệ, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt ứng phó với biến đổi khí hậu, song ông Hiển mong muốn nhận được sự vào cuộc quyết liệt từ các nhà khoa học, doanh nghiệp... Ông kiến nghị các Bộ, ngành tạo cơ hội cho các nhà khoa học, viện, trường, tham gia vào các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Du lịch xanh Cần Thơ. (Ảnh: K.G)

Du lịch xanh Cần Thơ. (Ảnh: K.G)

Đông Nam Bộ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Từ thực tiễn tại địa phương vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.

Nhằm triển khai thực hiện thành công cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung...

Đồng thời, Vũng Tàu đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực.

Nhờ những nỗ lực này, năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu, xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ. Đối với các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heineken Việt Nam chia sẻ, cùng Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 trong sản xuất và giảm 33% phát thải trong chuỗi giá trị với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn “tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa”, không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu. Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp Heineken Việt Nam 8 năm liền nằm trong tốp 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam...

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, nguồn vốn đầu tư cho các dự án Net Zero thường lớn nên doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và đối tác quốc tế. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh, xây dựng lộ trình pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các giải pháp phát thải thấp; khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính.

Ngoài ra, để theo kịp lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, đến năm 2040, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn cho các dự án xanh; cung cấp ưu đãi thuế, trợ giá và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng cơ chế thị trường carbon trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải...

Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa thành công chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, khu vực Đông Nam Bộ cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở các lĩnh vực có liên quan. Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần thúc đẩy năng lượng gió và mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và đẩy mạnh điện khí; phát triển nông nghiệp bền vững, trồng rừng và bảo vệ rừng, xử lý chất thải nông nghiệp; khuyến khích xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, quy hoạch đô thị xanh, thông minh; đầu tư, nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng đến đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng năng lượng tái tạo; Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng...

Đọc thêm