Lớn lên trong một gia đình mà người lớn không làm gương và không quan tâm dạy dỗ con cái, việc Sơn trượt ngã vào vòng lao lý cũng là kết cục tất yếu. Xét ở góc độ đó, bị cáo đáng thương hơn là đáng giận.
Hôm qua - 14/9, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Vũ Tiến Sơn (sinh ngày 26/7/1993, ở thôn 2, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Người chưa thành niên xâm hại trẻ em
Theo cáo trạng, qua internet, Sơn quen em Đoàn Thị Thanh T. (SN 1998). Sau vài lần “chát chít”, em T. nhận lời yêu Sơn. Khoảng 13h ngày 4/3/2011, Sơn lên mạng và được biết T. đang ở nhà người quen gần nhà Sơn. Do đó, hai người đã hẹn gặp nhau tại khu vực ao Đình, thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Gặp nhau tại điểm hẹn, Sơn và T. mỗi người đi một xe đạp về nhà bà nội của Sơn ở thôn 4, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức để cất xe đạp của Sơn. Sau đó, Sơn dùng xe đạp của T. để chở T. đi chơi nhiều nơi. Tối cùng ngày, Sơn đưa T. về nhà của Sơn, lúc đó trong nhà chỉ có cụ Nguyễn Thị Thu (cụ nội của Sơn) và em trai Sơn là Vũ Tiến Tr. (SN 2002). Sơn xin phép cụ Thu cho bạn gái ngủ lại trong phòng của mình.
Bị cáo rũ người xuống khi nghe Tòa tuyên án. |
Vừa nằm lên giường, Sơn đã vòng tay ôm qua người T. nhưng T. kêu nóng nên Sơn bỏ tay ra. Nửa đêm, Sơn âu yếm, sờ soạng T. nhưng bị T. đẩy tay ra. Sơn dậy bật đèn, cả hai ngượng nghịu nói chuyện với nhau khoảng 30 phút thì ngủ tiếp.
Đến khoảng 4-5h sáng ngày 5/3, Sơn tỉnh giấc và hỏi T: “Em ngủ chưa?”. Trả lời: “Em chưa ngủ”, T. lập tức bị Sơn khống chế để thực hiện hành vi giao cấu. Khoảng 1-2 phút sau, T. đẩy được Sơn ra. Cô bé bỏ ra phòng khách ngồi uống nước, còn Sơn ngủ đến 6h mới dậy. Sáng cùng ngày, Sơn chở T. ra đình Ngự Câu rồi T. tự đi về nhà.
Thấy con gái có biểu hiện lạ, quần áo xộc xệch, bố mẹ T. gặng hỏi và biết chuyện T. bị Sơn xâm hại. Họ lập tức làm đơn trình báo đến cơ quan công an.
Theo điều tra, thời điểm Sơn xâm hại T., cô bé này vẫn chưa đủ 12 tuổi còn Sơn thì chưa đủ 18 tuổi, đang là học sinh lớp 11.
Trả giá cho hành vi đồi bại của mình, Vũ Tiến Sơn bị bắt và bị truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Phạm tội vì thiếu hiểu biết
Tham dự phiên tòa, trừ bị cáo Vũ Tiến Sơn, Hội đồng xét xử (HĐXX), luật sư, đại diện VKS và các phóng viên thì chỉ có vỏn vẹn 4 người thân của bị cáo, bị hại. Trong đó, đại diện cho bị hại là ông nội và bố của cháu T., còn đại diện cho bị cáo là ông nội và chú ruột của Sơn. Điều đáng nói ở đây là Sơn hoàn toàn không phải trẻ mồ côi nhưng cả bố lẫn mẹ Sơn đều không có mặt tại phiên tòa.
Đứng trước tòa là một thanh niên mang vóc dáng của một cậu bé đang cúi mặt khép nép trong cái áo tù có phần hơi rộng. Bị cáo có dáng người nhỏ, gương mặt trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành khiến khó ai ngờ đây là thủ phạm của một vụ hiếp dâm trẻ em.
Khi vị chủ tọa hỏi bị cáo quen T. lâu chưa, có biết tuổi của T không, bị cáo trả lời lí nhí: “Mới quen được vài ba tuần, chỉ biết tên và nơi ở, không biết tuổi”.
Vị quan tòa hỏi tiếp: “Bị cáo có biết hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt tù không?”. Sơn đáp: “Không”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi hiếp dâm T. không thành, Sơn không biết rằng việc mình làm là phạm pháp nên vẫn hồn nhiên đi chơi, đi học bình thường. Thế nên khi T. lên mạng, giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra và xin một tấm ảnh của Sơn (làm theo yêu cầu của công an để phục vụ cho công tác điều tra - PV), Sơn đã chuyện trò vô tư và còn gửi cho T. tấm ảnh đẹp nhất của mình!
Xét thấy bị cáo phạm tội trong tình trạng kém hiểu biết về pháp luật, khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi và cũng không có ý định thực hiện hành vi đến cùng, chưa làm xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nên HĐXX chỉ tuyên phạt Sơn 7 năm tù giam.
Vì đâu nên nỗi tù đày?
Trở lại với việc cả bố và mẹ của Sơn đều không có mặt tại phiên tòa. Ai có thể không biết, nhưng Sơn biết rất rõ, cái giờ mà Sơn đang phải trả giá cho hành vi dại dột của mình tại tòa, thì rất có thể bố Sơn vừa ngủ dậy sau một ngày say sưa rượu chè và đang chuẩn bị cho một ngày chìm trong hơi men khác. Còn mẹ Sơn đang sống cách trụ sở tòa án không xa, nhưng không hiểu sao lại không đến...
Bố mẹ Sơn lấy nhau sớm, khi cả hai vừa mới mười tám, đôi mươi. Nhưng những mâu thuận trong đời sống vợ chồng trẻ nhanh chóng khiến bố Sơn tối ngày làm bạn với rượu. Chán nản với ông chồng không nghề ngỗng gì mà suốt ngày chỉ biết ăn, ngủ, uống rượu và chửi tục, cách đây 2 năm, mẹ Sơn đã bỏ nhà, bỏ chồng lên Hà Nội làm việc, để hai anh em Sơn ở nhà với người bố chỉ sớm tối rượu chè.
Thương cháu dại dột, ông nội Sơn chỉ biết lắc đầu: “Bố mẹ nó (tức Sơn) lúc còn sống với nhau cũng chỉ suốt ngày lo cãi nhau, đánh nhau nên có bao giờ quan tâm đến con cái đâu. Nó đi đâu, làm gì cũng kệ, học hành ngu dốt ra sao cũng kệ. Gia đình như thế, nên nó chán nản cũng phải. Chúng tôi già yếu, lại ở xa, vì lo chuyện của bố mẹ nó mà quên mất chuyện dạy dỗ nó. Tuy vậy, nó rất ngoan, không tụ tập chơi bời hư hỏng gì cả. Nó mới ham điện tử với chát chít gần đây thôi. Một phần là vì chán, phần nữa cũng là vì lâu lâu mẹ nó về lại cho ít tiền, mà không biết làm gì nên đem đi chơi điện tử...”.
Lớn lên trong một gia đình mà người lớn không làm gương và không quan tâm dạy dỗ con cái, việc Sơn trượt ngã vào vòng lao lý cũng là kết cục tất yếu. Xét ở góc độ đó, bị cáo đáng thương hơn là đáng giận.
Còn với T., tuy cô bé là người bị hại nhưng nếu không vì sự ham chơi, sự dễ dãi khi đồng ý đi chơi và ngủ lại nhà của Sơn thì sự thể đâu có đến nông nỗi này?
Trả lời cho câu hỏi: “Vì sao con gái đi chơi qua đêm mà bố mẹ không lo lắng đi tìm?”, bố T. nói: Vì T. đã nói dối cha mẹ là đi học nhóm ở nhà bạn và ngủ luôn tại đó. Việc T. ham “chát chít”, rồi quen và nhận lời yêu Sơn, bố mẹ T. không hề hay biết..
Ngọc Diệp