Kết nối các Vườn di sản ASEAN Việt Nam

(PLVN) - Các Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái, duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN. Việc hợp tác quản lý trong mạng lưới Vườn di sản ASEAN cho thấy nhiều kết quả tích cực hơn cho công tác bảo tồn hiệu quả.
Hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh tại VQG Hoàng Liên. (Ảnh: VQG Hoàng Liên)

Tầm quan trọng của chiến lược hợp tác bảo tồn

Mới đây, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá công tác quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH), hệ sinh thái tại các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam”. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo sẽ được tổ chức trong khuôn khổ của Nhiệm vụ “Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 theo chương trình hành động quốc gia về ĐDSH”. Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Chương trình Vườn di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park - AHP) là một trong những sáng kiến hợp tác ASEAN về môi trường, trên cơ sở Tuyên bố về các Vườn di sản của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN từ năm 2003. Mục tiêu chính là bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN.

Theo ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT), định hướng bảo vệ, phát triển bền vững, bảo tồn ĐDSH tại các AHP tại Việt Nam tập trung vào 3 mục tiêu chiến lược. Đó là xây dựng các thỏa thuận giữa các AHP và các bên liên quan nhằm bảo tồn những khu vực được ưu tiên bảo vệ; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý AHP thông qua xây dựng năng lực, kết nối mạng lưới khu vực và trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học tập; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý AHP để thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, thúc đẩy tầm quan trọng của các vùng đệm AHP đối với mục tiêu phát triển nông thôn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ông Vĩnh nhấn mạnh việc hợp tác quản lý trong mạng lưới Vườn di sản ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích, đơn cử như giúp tăng quyền tiếp cận tri thức truyền thống và khai thác bền vững của cộng đồng địa phương đối với tài nguyên thiên nhiên; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương, tăng cường các nguồn tài trợ cho AHP;…

Bài học kinh nghiệm

Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên, thuộc UBND tỉnh Lào Cai, quản lý diện tích 28.498ha, trong đó có 20.998ha ở tỉnh Lào Cai và 7.500ha ở Lai Châu. Là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, Hoàng Liên được IUCN công nhận là trung tâm ĐDSH và được xếp loại A bởi Quỹ Môi trường toàn cầu. Từ khi được công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2003, VQG Hoàng Liên cam kết bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng, duy trì giá trị văn hóa và giáo dục, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH.

Theo ông Vũ Đức Quyền - Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên, VQG Hoàng Liên tập trung vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện các phương án quản lý bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được bảo vệ chặt chẽ, với các hoạt động tuần tra, kiểm soát hiệu quả. Vườn cũng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Ngoài việc bảo tồn, VQG còn triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp. Hợp tác quốc tế là một phần quan trọng trong công tác nghiên cứu và phát triển, với nhiều chương trình hợp tác nổi bật được thực hiện. VQG Hoàng Liên cũng phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa và tuyên truyền cho cộng đồng. Công tác cứu hộ động vật hoang dã được thực hiện hiệu quả với tỷ lệ thành công cao.

Tuy nhiên, VQG Hoàng Liên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự can thiệp của con người và áp lực từ nhu cầu kinh tế. Do đó, ông Quyền cũng đưa ra 5 bài học kinh nghiệm: cần phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương cùng với giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên; thúc đẩy mô hình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng; chia sẻ lợi ích từ rừng thông qua các dịch vụ môi trường. Về lâu dài, để giải quyết được những sức ép lên tài nguyên rừng đặc dụng; và quan tâm đến việc tạo sinh kế ổn định, giảm nghèo.

Hợp tác nghiên cứu giữa Ban Quản lý VQG Bái Tử Long và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thuộc Bộ Quốc phòng. (Ảnh: VQG Bái Tử Long)

Một điển hình khác là VQG Bái Tử Long, với tổng diện tích 15.783ha, bao gồm 6.125ha đảo và 9.658ha mặt nước biển, một khu vực bảo tồn thiên nhiên độc đáo ở Quảng Ninh. Theo ông Đinh Sỹ Nguyên - Phó Giám đốc VQG Bái Tử Long, điểm độc đáo của VQG là đảo Trà Ngọ Lớn, với cấu trúc địa chất độc đáo, gồm cả núi đất và núi đá vôi, tạo nên hệ sinh thái phong phú. Khu vực này đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá là có giá trị sinh thái và khoa học cao.

Thời gian qua, VQG Bái Tử Long đã tiến hành nhiều hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường biển, trong đó bao gồm việc di dời cộng đồng nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng biển và giám sát hệ sinh thái san hô. Ngoài ra, các hoạt động bảo tồn ĐDSH đã giúp Bái Tử Long được công nhận với nhiều loài cây di sản. VQG cũng chú trọng giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thông qua các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa và tuần tra, kiểm soát tài nguyên. Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2026, Ban Quản lý VQG Bái Tử Long phối hợp cùng với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thuộc Bộ Quốc phòng triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, điển hình là nghiên cứu thử nghiệm phục hồi san hô bị suy thoái tại khu vực biển VQG Bái Tử Long bằng phương pháp phân vi mảnh.

Ông Nguyên cũng đưa ra nhiều đề xuất đối với Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, bao gồm việc sớm hoàn thiện hệ thống VQG Việt Nam và cơ sở dữ liệu về tài nguyên ĐDSH, đẩy mạnh “Chương trình Di sản trong Di sản”, cùng với việc tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn hướng dẫn xây dựng Quy chế quản lý, Kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường tại các VQG. Tại địa phương, ông đề xuất UBND các tỉnh sớm chỉ đạo chuẩn hóa, đồng bộ giữa các quy định, quy hoạch, ví như quy hoạch tỉnh, quy hoạch rừng...; đồng thời chỉ đạo thực hiện thống nhất trong công tác quản lý đất rừng đặc dụng trong một chủ thể.

Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng đến tương lai

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có nhiều quy định cụ thể về nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có 39 điều, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có 43 điều, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT có 20 điều quy định trực tiếp về vấn đề này.

Theo lộ trình đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu có thêm 3 Vườn di sản ASEAN, phù hợp với mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ tham gia Vườn di sản ASEAN; hướng dẫn kỹ thuật về quản lý bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Trong năm nay, Bộ TN&MT sẽ ban hành thông tư về quy trình kiểm kê, quan trắc ĐDSH và thông tư hướng dẫn quy định kỹ thuật để các địa phương, VQG triển khai. Bộ cũng đang nghiên cứu, ban hành tiêu chí đánh giá quản lý môi trường, di sản thiên nhiên với các địa phương, thành lập mạng lưới AHP Việt Nam và xây dựng quy chế hợp tác để trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia, đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh nhấn mạnh rằng các VQG và khu bảo tồn cần tích hợp quy chế bảo vệ môi trường với kế hoạch bảo tồn rừng bền vững. Đồng thời, các đơn vị này cần tiếp tục đánh giá công tác quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH. Việc giám sát cần được thực hiện để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, ĐDSH, đất đai và phải báo cáo lên các cơ quan liên quan.

Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng Vườn di sản ASEAN được công nhận nhiều nhất Đông Nam Á. Đến nay, Việt Nam đã có 12 khu vực được công nhận là Vườn di sản ASEAN, gồm: VQG Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), VQG Ba Bể (Bắc Kạn), VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh), VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum), VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai), VQG U Minh Thượng (Kiên Giang), VQG Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), VQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế).

Đọc thêm