Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

(PLVN) - Để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, tránh biến động giá. Cùng với đó, cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức ngày 22/4.

Phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, từ thực tế dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN)- khi chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cùng với những thuận lợi trong việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa… thì việc này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các DN Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...

Tình hình trên đang đặt lên vai các DN trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Muốn vậy, cộng đồng DN Việt Nam cần tích cực tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chia sẻ, đoàn kết để phát triển thị trường trong nước, giữ niềm tin của người tiêu dùng.

Cùng với đó, các cấp, các ngành phải vào cuộc tích cực nhằm triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần động viên, hỗ trợ các DN nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch, tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội thảo.

“Một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của DN, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo; đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động trong tình hình mới”- bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Cần chiến lược kinh doanh lâu dài

Xuất phát từ thực tế hiện nay thế giới đang trải qua nhiều biến động, như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu,... tác động đến các quốc gia trên thế giới, trong đó, các DN cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, bởi vậy, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị phải có chiến lược kinh doanh lâu dài nhằm ứng phó với những thay đổi bất thường từ tình hình thế giới.

Nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là động lực quan trọng của nền kinh tế, GS.TS Võ Đại Lược đề nghị, Chính phủ cần hỗ trợ các DN Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật…Ngược lại, bản thân các DN Việt Nam cũng cần nỗ lực phấn đấu vươn lên; cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ các DN nước ngoài để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh.

Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đề xuất, các DN trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá. Bên cạnh đó, các DN cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân; đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội đề nghị, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối, đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các doanh nghiệp chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách trong phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối, dư cung và không gây khó khăn cho tiêu dùng, tạo tác động lớn để hỗ trợ cho DN phát triển. Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển hạ tầng thương mại không được gây mất cân đối giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn.

Tại hội thảo, các ý kiến cũng đề nghị cần kết nối vai trò của các hiệp hội DN, làm cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhu cầu, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Các DN trong nước phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp những thông tin chính xác về sản phẩm. Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo các sản phẩm trên các nền tảng xã hội, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam./.

Đọc thêm