Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Phùng Khánh Tài đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị, nhất là việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xin ông cho biết kết quả triển khai Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị Khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới của MTTQ Việt Nam thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, MTTQ Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng công tác đoàn kết, tập hợp NVNONN; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đúng tinh thần cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã ký kết các quy chế, chương trình phối hợp; ban hành và triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp NVNONN; ban hành và triển khai Hướng dẫn về khen thưởng đối với NVNONN... Các cơ chế phối hợp và các chương trình cụ thể này đã tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp NVNONN của MTTQ Việt Nam.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam cũng rất quan tâm công tác NVNONN trong chương trình hành động của các kỳ Đại hội, chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm, cụ thể như: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến bà con ta ở nước ngoài, lắng nghe, tập hợp, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của NVNONN đến với Đảng, Nhà nước; lôi cuốn bà con tham gia vào các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhất là các hoạt động ủng hộ tham gia phòng chống Covid-19, các hoạt động cứu trợ miền Trung, hoạt động giúp đỡ người nghèo...; phối hợp tổ chức các diễn đàn để thu hút sự tham gia của trí thức, doanh nhân kiều bào góp phần xây dựng đất nước; giám sát, phản biện chính sách liên quan đến NVNONN; tăng cường tiếp xúc; hỗ trợ củng cố các hội đoàn; lựa chọn và phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp là NVNONN...
Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ thường xuyên tổ chức cho NVNONN đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước. Việc thực hiện nội dung này thời gian qua được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam rất coi trọng và quan tâm lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của kiều bào đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Thời gian qua, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đã và đang phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao triển khai rất tốt nội dung này.
Hai bên đã phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện NVNONN góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII...; tổ chức diễn đàn “Chuyên gia trí thức NVNONN với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.
Hai bên cũng đã tổ chức Hội nghị Tọa đàm “NVNONN với tâm huyết phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế”; Hội nghị lãnh đạo các tổ chức hội đoàn NVNONN các buổi hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ trí thức, doanh nhân NVNONN, các cháu thanh niên, sinh viên kiều bào dự Trại hè... nhằm lắng nghe, chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm, phát huy tiềm năng trí tuệ của NVNONN đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước góp phần xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập…
Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lựa chọn người Việt Nam tiêu biểu ở các khu vực trọng điểm, các nước có đông NVNONN tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các khóa (từ Khóa V đến Khóa IX đã có 75 người Việt Nam tiêu biểu tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện tại Khóa IX là 16)…
Có thể khẳng định, thông qua MTTQ Việt Nam, tiếng nói của NNVNONN đã có đóng góp hết sức quan trọng và việc hoạch định, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao, góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xin ông cho biết ý nghĩa của Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới trong việc kết nối kiều bào, huy động sức mạnh kiều bào hỗ trợ trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua?
- Qua đại dịch vừa qua, với lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, sự vào cuộc kịp thời của MTTQ Việt Nam, chúng tôi cảm thấy rất xúc động khi được đón nhận tình cảm rất đặc biệt của những người dân Việt Nam, từ người già, người trẻ đến các em nhỏ và cả những người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng vẫn dành sự quan tâm cùng chung tay với Đảng, Nhà nước, MTTQ phòng chống dịch.
Với tình đồng chí, nghĩa đồng bào, bà con NVNONN cũng đã có nhiều nghĩa cử, nhiều hoạt động hết sức tích cực để có những đóng góp, hỗ trợ bằng việc làm, bằng vật chất, tình cảm yêu thương, chia sẻ động viên gửi gắm cho đồng bào trong nước dù tác động của đại dịch đối với kiều bào ta ở nhiều nước đặc biệt là châu Âu rất khó khăn.
Điều kiện mặt bằng chung của bà con ta ở nước ngoài cũng còn những khó khăn, phải lo kiếm sống hàng ngày. Nhưng khi tình hình trong nước như vậy, bà con đã dành rất nhiều tình cảm, nguồn hỗ trợ đóng góp với tình cảm, tâm thế, sự yêu thương rất tuyệt vời. Vì vậy khi tiếp nhận tình cảm đó, chúng tôi rất cảm động và tôi nghĩ rằng không gì đặc biệt hơn, tuyệt vời hơn tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Ông có thể cho biết một số công việc trọng tâm của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới để kết nối, thúc đẩy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc?
- Trong thời gian tới, nếu chọn nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ, chúng tôi vẫn đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để đề xuất và tham gia phản biện, xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến NVNONN. Bởi, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến NVNONN và đã có Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 cùng rất nhiều văn bản pháp luật cụ thể khác quy định rất nhiều nội dung liên quan.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc thực thi các chính sách đó vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Sự vướng mắc nằm ở nhiều khâu, ở sự phối hợp của các cơ quan khác nhau nên qua tiếp xúc bà con, tôi thấy rằng bà con vẫn rất mong muốn làm sao có được cơ chế, chính sách đầy đủ và các cơ chế, chính sách đó phải được cụ thể hóa, có khả năng thực thi trong thực tiễn để giúp bà con kiều bào gắn bó với quê hương, có điều kiện tốt hơn để quan tâm đầu tư phát triển cũng như trở về quê hương sinh sống ổn định lâu dài.