Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW của Bộ Chính trị Khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới có nội dung rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để NVNONN về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam. Xin ông cho biết yêu cầu này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì việc quản lý nhà nước về đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có đầu tư của NVNONN và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, cá nhân của Việt Nam.
Đến nay, đầu tư của những NVNONN về Việt Nam đạt khá tốt. Lũy kế đến tháng 10/2020 đã đầu tư về Việt Nam 1,6 tỷ USD. Điều quan trọng là các dự án này tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Như vậy, tiềm lực về khoa học, công nghệ, tài chính và quản lý của NVNONN ngày càng tăng lên và xu hướng đầu tư về Việt Nam nhiều hơn.
Do đó, làm sao để tận dụng được và thu hút được NVNONN về đầu tư thì trong pháp luật hiện nay về đầu tư, cụ thể là trong Nghị định 118 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã có quy định cho phép các công dân là người Việt Nam nhưng có cả quốc tịch nước ngoài được lựa chọn áp dụng đầu tư tại Việt Nam như nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài lựa chọn việc áp dụng như nhà đầu tư trong nước - điều kiện riêng biệt không cho phép với người nước ngoài - thì có nhiều thuận lợi. Cụ thể, khi áp dụng điều kiện trong nước thì công dân Việt Nam ở nước ngoài không phải áp dụng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, không phải áp dụng một số quy định về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động hay một số quy định có điều kiện khác…
Như vậy sẽ thuận lợi hơn. Các hình thức đầu tư cũng không bị hạn chế, có thể đầu tư các hình thức theo Luật Doanh nghiệp. Đây là những quy định rất tốt để thu hút nhà đầu tư là công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngoài vấn đề đầu tư, Đảng, Nhà nước và các cơ quan của Chính phủ cũng tạo điều kiện để NVNONN sinh sống lâu dài. Ví dụ như Luật Nhà ở cho phép những công dân Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà ở để ngoài đầu tư, họ có thể làm ăn, sinh sống lâu năm. Đồng thời, bà con Việt kiều cũng được miễn visa để họ có thể về nước thuận lợi.
Ông đánh giá về vai trò của cộng đồng NVNONN trong việc kết nối đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài?
Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của cộng đồng NVNONN, thể hiện ở một số việc thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&ĐT. Trước hết là ở công tác xúc tiến đầu tư. Khi Bộ KH&ĐT tổ chức, bà con Việt kiều cũng tham gia, đặc biệt là hỗ trợ các hoạt động xúc tiến cho hiệu quả hơn; kết nối, cung cấp thông tin. Đây là điều rất quan trọng vì chúng ta vẫn là người Việt Nam, am hiểu văn hóa, tiếng Việt…, trở thành cầu nối thu hút, thúc đẩy NVNONN về đầu tư trong nước cũng như thúc đẩy bạn bè quốc tịch nước ngoài về Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi cũng đánh giá cao cộng đồng NVNONN đã đóng góp vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, hoàn thiện hơn, giúp cho không chỉ NVNONN mà còn cả người nước ngoài vào Việt Nam được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật của nước sở tại.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT có đề xuất, kiến nghị gì để phát huy hơn nữa sự đóng góp của kiều bào vào việc xây dựng và phát triển đất nước?
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường, khuyến khích kiều bào ở nước ngoài về đầu tư; đồng thời cũng đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế, không tạo ra sự phân biệt đối xử trong đầu tư.
Điều thứ hai là chúng ta phải có các biện pháp cụ thể hơn và trong các lĩnh vực đầu tư phải rà soát để xác định NVNONN có thế mạnh gì để đầu tư bởi hiện nay chúng ta đã có cơ chế rồi nhưng thực sự chưa hiệu quả.
Thứ ba là chúng ta phải xây dựng dữ liệu của NVNONN, ví dụ như các trí thức khoa học ở từng quốc gia mạnh ở điểm gì để tập trung mời về Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam và kết nối.
Kết nối ở đây không chỉ là đầu tư mà NVNONN rất mạnh trong nhiều lĩnh vực khác, rất nhiều người là giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học… trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế… nên chúng ta sẽ kết nối với các trường, các viện để làm sao lan tỏa các tri thức đó cho Việt Nam.
Hiện nay, khoa học công nghệ 4.0 là xu hướng không thể thay đổi, các phương thức đầu tư mới như kinh tế số rút ngắn khoảng cách rất nhiều, chúng ta có thể trao đổi thông tin thông qua trực tuyến, qua các kênh thì NVNONN đóng vai trò rất quan trọng góp phần giúp chúng ta phát triển trong bối cảnh khoa học công nghệ 4.0.
Ngoài thu hút đầu tư, Bộ KH&ĐT được Thủ tướng giao thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Bộ. Việc này là thực hiện chiến lược chủ động tham gia hội nhập công nghệ 4.0 theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Bộ đã triển khai.
Một trong những nhiệm vụ mà Bộ KH&ĐT nói chung và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất quan tâm chỉ đạo là xây dựng mạng lưới kết nối trí thức NVNONN hiệu quả để đóng góp cho đất nước. Bộ đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và tại sự kiện tháng 8/2018 đã thu hút được 100 trí thức kiều bào ta ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Bộ KH&ĐT cũng thường xuyên kết nối thêm 300 trí thức, nhà khoa học… tham gia góp ý các cơ chế chính sách, đặc biệt là khoa học công nghệ cho Bộ. Dần dần, chúng tôi sẽ lan tỏa cho các bộ, ngành trong nước…