Kết quả tích cực từ Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe tại Việt Nam

(PLVN) -Mới đây, AstraZeneca cùng các đối tác cập nhật tiến độ và kết quả triển khai chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” trước thềm Hội nghị Hô hấp Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 24 diễn ra tại Hà Nội. 
Đại diện AstraZeneca và các đối tác thực hiện chương trình Vì Lá Phổi Khỏe.
Đại diện AstraZeneca và các đối tác thực hiện chương trình Vì Lá Phổi Khỏe.

Đạt nhiều kết quả đáng mừng

Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chủ yếu bao gồm tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hen và bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (BPTNMT) đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 73% tổng số ca tử vong và 66% tổng số gánh nặng bệnh tật.  Một trong những giải pháp đề ra trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 là tăng cường phát hiện, điều trị và quản lý bệnh tại các trạm y tế xã và cộng đồng theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi và chăm sóc liên tục cho bệnh nhân mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, hen, BPTNMT và các bệnh không lây nhiễm khác.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT tại Việt Nam, chương trình hợp tác “Vì Lá Phổi Khỏe” được đưa vào triển khai từ năm 2017, kéo dài trong 3 năm, giúp cải thiện chất lượng quản lý bệnh nhân ngoại trú mắc hen và BPTNMT tại Việt Nam. Tính đến tháng 10 năm 2019, chương trình đã mang lại những kết quả trên ba phương diện cốt lõi:

Hợp tác và nhận thức: giải quyết các thách thức trong việc quản lý bệnh hen và BPTNMT hiện tại qua việc góp phần thiết lập Bộ tiêu chí “Đơn vị quản lý hen và BPTNMT” áp dụng thí điểm trong chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020. 

Hạ tầng và khả năng tiếp cận: Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ thành lập và cải thiện 65 đơn vị quản lý bệnh hen và BPTNMT (còn gọi là UMAC) , giúp hơn 89.000 bệnh nhân được tiếp cận điều trị tốt hơn, tầm soát hơn 4.642 người có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, hỗ trợ các chương trinh giáo dục về cách thức kiểm soát bệnh hen và BPTNMT   cho hơn 11.325 bệnh nhân thông qua các câu lạc bộ dành bệnh nhân 

Kiến thức và kỹ năng: Chương trình đã tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức y khoa cho hơn 1.410 cán bộ y tế, đặc biệt hỗ trợ đào tạo và cấp bằng chứng nhận cho 94 cán bộ y tế và y tá.

Trình bày tại hội nghị, dữ liệu được ghi nhận trong vòng 12 tháng tại UMAC thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, cho thấy nhờ triển khai chương trình, tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân hen đã giảm từ 29,3% xuống 6,2%, nhóm bệnh nhân BPTNMT giảm từ 51% xuống 32%. Tại đơn vị này, số bệnh nhân đã kiểm soát được một phần bệnh hen tăng đến 50%, trong khi đó có thêm 28,1% số bệnh nhân có thể kiểm soát toàn bộ căn bệnh. Nhìn chung, các UMAC đã đem lại thay đổi đáng kể giúp giảm 78,1% trường hợp không kiểm soát bệnh.

Từ hiệu quả quản lý bệnh cải thiện rõ rệt tại đơn vị UMAC thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, AstraZeneca cùng với các đối tác tiếp tục cam kết thực hiện nghiên cứu đo lường tác động của chương trình Vì Lá Phổi Khỏe. Nghiên cứu này sẽ đo lường tác động hiệu quả  lâm sàng cũng như đặc điểm của bệnh hô hấp (mức độ kiểm soát bệnh, tỷ lệ trầm trọng, chức năng phổi) và phương pháp điều trị được sử dụng trong điều trị hen và BPTNMT cũng như tuân thủ của bệnh nhân với việc điều trị. Ngoài ra, nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế trong việc quản lý hen và BPTNMT từ chương trình Vì Lá Phổi Khỏe. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong quý 4 năm 2020 với kỳ vọng mô hình Phòng quản lý Hen và BPTNMT sẽ được triển khai rộng khắp cả nước.

Ông Nitin Kapoor, Tổng Giám đốc AstraZeneca tại Việt Nam & Các Thị trường Mới nổi Khu vực Châu Á.
Ông Nitin Kapoor, Tổng Giám đốc AstraZeneca tại Việt Nam & Các Thị trường Mới nổi Khu vực Châu Á. 

Ông Nitin Kapoor, Tổng Giám đốc AstraZeneca tại Việt Nam & Các Thị trường Mới nổi Khu vực Châu Á chia sẻ: “Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” là một phần cam kết của AstraZeneca nhằm góp phần cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam. Với nghiên cứu này, chúng tôi và các đối tác mong muốn đem đến tác động tích cực qua việc triển khai chiến lược quản lý bệnh hen và BPTNMT, từ đó nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Chúng tôi rất vui mừng khi sự hợp tác tốt đẹp giữa AstraZeneca với các đối tác hiệp hội chuyên ngành đã giúp cho công tác triển khai chương trình thuận lợi và đạt kết quả khả quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ bền chặt này để những thành tựu và lợi ích của chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở năm 2020”.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương 2019 (APSR) lần thứ 24
Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương 2019 (APSR) lần thứ 24 

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương 2019 (APSR) lần thứ 24 cho biết: “Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” với mô hình UMAC là một ví dụ điển hình về cách thức triển khai công tác quản lý bệnh hô hấp đến tận tuyến cơ sở ở Việt Nam. Khi nhóm chuyên trách quốc gia tiếp tục mở rộng mô hình này, việc phân tích tác động của “Vì Lá Phổi Khỏe” đối với hiệu quả lâm sàng và hiệu quả kinh tế của chương trình là rất quan trọng. Chúng tôi tự hào khi bản tóm tắt nghiên cứu sẽ được trình bày tại Hội nghị Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương 2019 diễn ra trong tuần này.”

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung - Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam nhận xét: “Chương trình đã có tác động toàn diện trong việc hỗ trợ bệnh nhân và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi tin tưởng rằng đây là một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận và điều trị sớm bệnh hen suyễn & COPD cho bệnh nhân tại Việt Nam.”

Về phía Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” thực sự mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa và hướng đến họ là đối tượng được hưởng lợi ích nhiều nhất. Những kết quả tích cực ngày hôm nay mang lại sự khích lệ cho chúng tôi, tuy nhiên, nó mới chỉ vươn tới một phần nhỏ của các trung tâm y tế tuyến quận, huyện. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc hết mình để bệnh nhân mắc hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi cần sẽ được chăm sóc y tế có chất lượng tốt ngay tại nơi họ sống”.

Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam

Cuối năm 2017, AstraZeneca công bố triển khai chương trình Vì Lá Phổi Khỏe, đây là hoạt động hợp tác giữa AstraZeneca, Chính phủ các nước và các hiệp hội chuyên ngành tại 9 quốc gia trong khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức về các bệnh hô hấp như hen, BPTNMT và ung thư phổi, đồng thời xây dựng năng lực cho hệ thống y tế tại các quốc gia để quản lý các bệnh này. Tại Việt Nam, dự án được phối hợp thực hiện bởi AstraZeneca cùng các đối tác gồm Cục Quản lý Khám Chữa bệnh - Bộ Y tế, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam, Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, tập trung vào ba mục tiêu chính: 

Hợp tác và nhận thức: Phối hợp cùng các đối tác ngành y tế tại Việt Nam, chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này. Thông qua tài trợ tổ chức các câu lạc bộ bệnh nhân và các hoạt động khám tầm soát, chương trình sẽ hỗ trợ gia tăng nhận thức đúng về bệnh trong cộng đồng, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân hen và BPTNMT về các triệu chứng, cải thiện chẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Hạ tầng và khả năng tiếp cận: Với tài trợ thành lập 150 phòng quản lý Hen và BPTNMT ngoại trú với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, chương trình hướng đến cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh Hen và BPTNMT. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh Hen & BPTNMT ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân.

Năng lực và kỹ năng: Thông qua phối hợp cùng các đối tác để tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục (CME), hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực (chẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh thành, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh Hen và BPTNMT. Mục tiêu là 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý Hen và BPTNMT. 

Là một phần của chương trình, trang điện tử www.vilaphoikhoe.kcb.vn hướng đến cung cấp thông tin và giáo dục sức khỏe về bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh hen và BPTNMT cho người dân và cán bộ y tế.

AstraZeneca là một công ty dược phẩm sinh học hàng đầu trên toàn cầu, tập trung vào việc phát hiện, phát triển và kinh doanh các loại thuốc theo toa, chủ yếu nhằm mục đích điều trị các bệnh trong ba lĩnh vực - Ung thư, Tim mạch, Thận & Chuyển hóa và Hô hấp. AstraZeneca hoạt động tại hơn 100 quốc gia với hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới sử dụng các sản phẩm thuốc tân tiến của tập đoàn. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.astrazeneca.com và theo dõi chúng tôi trên Twitter @AstraZeneca.