Kết thúc kỳ vào lớp 10 tại Hà Nội: Đề thi Toán vừa sức, không đánh đố

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sáng 19/6, hơn 106.000 sĩ tử Hà Nội làm bài thi cuối cùng môn Toán trong kỳ thi vào lớp 10 với thời gian làm bài 120 phút. Nhiều thí sinh chia sẻ với phóng viên rằng đề thi vừa sức, không đánh đố nhưng vẫn có tính phân hoá rõ rệt.

Em Nguyễn Tùng Tiến Anh (học sinh THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy ) chia sẻ đề thi tương đối vừa sức, có tính phân hoá rõ rệt: "Em tự tin bài làm của mình được 9 điểm trở lên. Em thấy đề thi năm nay không quá khó, phù hợp với học sinh, chỉ cần có kỹ năng trình bày tốt thì các bạn có thể đạt được 8-9 điểm. Em hoàn thành bài thi trong vòng 1 tiếng 15 phút tiếng, còn dư khá nhiều thời gian để soát lại bài”.

Trong khi đó tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng, bạn Phạm Anh Quân (học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ) thì cho biết: "Đề thi năm nay tương đối dễ, em tự tin sẽ được khoảng 9,5 điểm”.

Còn với em Nguyễn Quốc Anh (học sinh trường THCS Giảng Võ) chia sẻ: "Đề thi với em không khó lắm, em làm được khoảng 80%, có câu hình không gian và câu cuối cùng khá lạ, có lẽ em chưa được ôn tập nhiều".

Các thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội năm nay. Ảnh: Vy Anh
Các thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội năm nay. Ảnh: Vy Anh

Về phía phụ huynh, cô Nguyễn Tú Anh (mẹ học sinh em Trịnh Kiều Anh học sinh trường THCS Trưng Vương) chia sẻ: “ Em nhà cô có nguyện vọng thi đỗ vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nên trong 2 ngày thi vừa qua luôn động viên tinh thần và giúp con có tâm lý được tốt nhất, bổ sung cho em ăn thật nhiều hoa quả và nước để uống bởi thời tiết năm nay đi thi các em vất vả quá”.

Nhận định chung về đề thi môn Toán, các thầy cô Tổ Toán – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi năm nay vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây. Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh những thí sinh tham dự kì thi đã trải qua gần 3 năm học tập trực tuyến vì ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 và tỉ lệ chọi vào các trường THPT công lập ở Hà Nội đang ở mức cao kỉ lục thì sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kì thi năm nay.

Về phạm vi kiến thức và độ khó: Cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc nhằm tránh gây ra sự xáo trộn, bỡ ngỡ cho các thí sinh. Tuy nhiên, số lượng các ý của một số bài toán lớn trong đề thi đã được tăng lên cho phù hợp với thời gian làm bài thi (tăng thời gian làm bài từ 90 phút lên 120 phút) và điều này tương đồng với đề thi năm 2020. Cụ thể như sau:

Bài 1. So với đề thi năm 2021-2022, đề thi năm 2022- 2023 đã tăng thêm ý thứ 3 – là câu hỏi ở mức độ vận dụng, đòi hỏi thí sinh cần vận dụng nhiều kiến thức để giải quyết yêu cầu của bài toán.

Bài 2. Giữ nguyên tính ổn định về độ khó và dạng bài. Ý đầu là bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình – hệ phương trình gắn liền với thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Ý thứ 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.

Bài 3. Mặc dù bài toán tăng một ý nhỏ so với đề thi năm 2021-2022 nhưng không có sự thay đổi về độ khó và dạng bài. Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và câu hỏi về sự tương giao giữa đồ thị hai hàm số, trong đó có một ý nhỏ thí sinh cần sử dụng định lí Vi-ét để giải quyết. Đây là dạng toán quen thuộc, không cần biến đổi biểu thức quá phức tạp để giải quyết yêu cầu của đề bài.

Bài 4. Tương tự như đề thi các năm, đây là một bài toán về hình học và các dạng bài xuất hiện trong các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh đẳng thức và chứng minh ba điểm thẳng hàng. Và ý c của bài toán vẫn luôn là câu hỏi dành để phân loại thí sinh.

Bài 5. Vẫn là bài về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. Bài toán này có nét tương đồng như bài 5 trong đề thi 2020-2021. Để giải quyết bài toán này, thí sinh cần có kỹ năng biến đổi khéo léo một chút là có thể xử lí được.

Cấu trúc đề năm 2022-2023 của Sở GD&ĐT Hà Nội về cơ bản không có sự thay đổi so với năm 2021-2022. Đây là một yếu tố thuận lợi cho việc ôn tập của các thí sinh tham gia thi tuyển sinh. Dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng 7 điểm.

Như vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên của TP. Hà Nội năm 2022 đã kết thúc trong 2 ngày 18 và 19/6. Những thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ hay lớp chuyên của THPT Chu Văn An, Sơn Tây sẽ làm thêm bài thi môn chuyên vào 20/6./.

Đọc thêm