Tham dự Lễ khai mạc có đồng chí Bun-thông Chit-ma-ny, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào; Bộ trưởng Tư pháp/Tổng Chưởng lý 10 nước ASEAN và ông AKP Mochtan, Phó Tổng Thư ký Ban Thư ký ASEAN.
Đoàn Việt Nam (liên ngành Tư pháp – Công an – Kiểm sát – Toà án) do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào (đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Tham tán công sứ) cùng tham dự Hội nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Lào nhấn mạnh hợp tác pháp luật là một trong những trụ cột chính của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN với mục tiêu chủ yếu là xây dựng ASEAN trở thành Cộng đồng hoạt động trên cơ sở pháp luật và nguyên tắc pháp quyền.
Trưởng đoàn các nước thành viên ASEAN cũng có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao thành công của ASLOM 18, đồng thời đề cập đến sự cần thiết của việc đổi mới cơ chế hoạt động của ASLOM và ALAWMM theo hướng mở rộng sự tham gia của các đối tác ngoại khối.
Đoàn liên ngành Việt Nam tham dự ALAWMM 10 do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu |
Sau phần phát biểu khai mạc, Trưởng đoàn các nước ASEAN đã thảo luận và thông qua Báo cáo của ASLOM 18 và Thông cáo chung của ALAWMM 10 với những điểm chính như sau:
(i) Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự: nhất trí thông qua Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ, coi đây là một trong những cơ sở để các nước thành viên tham khảo trong quá trình đàm phán các Hiệp định song phương hoặc đa phương về dẫn độ; về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Việt Nam và Thái Lan về việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Pháp luật ASEAN về chủ đề này trong năm 2019;
(ii) Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự: Hội nghị tiếp tục ghi nhận Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN, cụ thể là tiếp tục tổ chức các Diễn đàn Pháp luật ASEAN về chủ đề này;
(iii) Về việc mở rộng sự tham gia của các đối tác ngoài khối vào hoạt động của ASLOM và ALAWMM: Hội nghị nhất trí về cơ chế xem xét từng trường hợp trên cơ sở đề xuất cụ thể của từng đối tác; Trước mắt, đối với đề xuất của Nhật Bản và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HccH), Hội nghị ghi nhận khả năng mở rộng sự tham gia của 2 đối tác này vào ASLOM 19 (tổ chức tại Mi-an-ma vào năm 2020) trên cơ sở xem xét đề xuất cụ thể về mặt nội dung. Quá trình tham vấn ý kiến các thành viên ASEAN sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận;
(iv) Về tăng cường tần suất ASLOM và ALAWMM: Hội nghị ghi nhận đề xuất của Thái Lan về việc nâng tần suất họp ASLOM lên 1 năm/lần (hiện nay là 1,5năm/lần) và ALAWMM lên 2 năm/lần (hiện nay là 3 năm/lần). Tuy nhiên, các nước cần có thêm thời gian để tham vấn nội bộ về đề xuất này.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận một số nội dung khác như cơ chế hợp tác liên ngành giữa ASLOM, ALAWMM với các thiết chế khác của ASEAN; cơ chế tăng cường hợp tác giữa ASLOM/ALAWMM với Hiệp hội Luật gia các quốc gia Đông Nam (ALA) và Học viện Pháp luật ASEAN...
Sau một ngày làm việc tích cực, ALAWMM 10 đã thành công tốt đẹp. Kết quả Hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025, thể hiện vị thế vai trò của Việt Nam luôn chủ động tích cực trong hợp tác ASEAN, trong đó có việc đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020./.